Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Không có dấu hiệu nhượng bộ

Trung Quốc và Mỹ đều không có ý định nhượng bộ trước sự leo thang của cuộc chiến thương mại. Giữa lúc đó, Mỹ quyết định thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Ðài Loan.

Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Mỹ thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Ðài Loan. Trong ảnh: Máy bay chiến đấu F-16 của Ðài Loan. Ảnh: Al Jazeera.

Một quan chức cấp cao Trung Quốc hôm qua nói khó tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ trong khi Washington “dí dao vào cổ Trung Quốc”, một ngày sau khi hai nước tung ra các đợt áp thuế mới nhằm vào hàng hóa của nhau.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nói tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng, thời điểm hai bên đàm phán trở lại phụ thuộc “ý chí” của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói đàm phán không thể diễn ra trong bối cảnh “đe dọa và gây áp lực”, Reuters tường thuật.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị nói có những thế lực ở Mỹ chỉ trích Trung Quốc vô căn cứ về các vấn đề thương mại và an ninh, làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên ông Vương không nêu ra bất cứ cái tên nào.

“Nếu việc này tiếp diễn, nó sẽ xóa bỏ chỉ trong chốc lát những thành quả đã đạt được trong bốn thập kỷ qua”, ông Vương nói trước các thành viên Hội đồng Thương mại Mỹ-Trung và Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung, tại New York.

Mặc dù ông Vương Thụ Văn để ngỏ khả năng đàm phán tiếp, các nhà phân tích nói cả hai bên đều không có ý muốn thỏa hiệp dù tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt, gia tăng khả năng về một cuộc chiến kéo dài, gây xáo trộn thương mại và đầu tư quốc tế, làm nguội lạnh kinh tế toàn cầu.

“Những chỉ trích nặng nề (từ phía Bắc Kinh) cho thấy Trung Quốc có thể nghiêng về phương án kiên nhẫn chờ cho tới lúc chính quyền đương nhiệm của Mỹ hết nhiệm kỳ, thay vì tiến hành các cuộc đàm phàn được xem là có nguy cơ vô tác dụng”, ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nói thông một thông cáo gửi tới khách hàng.

“Với những diễn tiến này, rất có thể cả hai phía sẽ không tái đàm phán trong một thời gian, ít nhất cho đến khi có sự thay đổi có thể nhận thấy được về không khí chính trị ở mỗi bên”.

Ông Vương nói các nhà xuất khẩu Mỹ, bao gồm cả những nhà cung cấp khí hóa lỏng, chắc chắn sẽ chịu hậu quả nhưng sự trả đũa của Bắc Kinh sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khí hóa lỏng khác và thêm rằng, Australia là nhà cung cấp năng lượng quan trọng của Trung Quốc.

“Trung Quốc là nước lớn và hùng mạnh, vì thế đối đầu với Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự sẽ phải trả giá rất đắt”, tờ Hoàn cầu thời báo nói trong bài xã luận đăng hôm qua.

Thứ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc La Văn nói tại một cuộc họp báo rằng chính phủ Trung Quốc biết một số công ty nước ngoài đang cân nhắc phương án chuyển hoạt động sản xuất khỏi nước này nhằm tránh rủi ro và chi phí tăng. Nhưng ông La cũng nói giới chức đang tìm cách tạo điều kiện để khuyến khích họ ở lại.

Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan

Trong lúc đụng độ thương mại Mỹ-Trung đang nóng hơn bao giờ hết, Bộ Ngoại giao Mỹ lại phê chuẩn kế hoạch bán linh kiện máy bay tiêm kích F-16 và một số loại máy bay khác cho Đài Loan, trị giá 330 triệu USD. Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng cảnh báo rằng động thái này hủy hoại quan hệ Mỹ-Trung.

Chuyện Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vùng đất Trung Quốc luôn coi là lãnh thổ của mình, luôn là vấn đề gai góc trong quan hệ giữa hai cường quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, làm tổn hại chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, theo tường thuật của Reuters.

Hợp đồng 330 triệu USD nói trên bao gồm việc cung cấp linh kiện cho tiêm kích con cưng F-16 của Đài Loan, ngoài ra còn có các thiết bị thay thế của các loại máy khác như vận tải cơ C-130, tiêm kích hạng nhẹ F-5, Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/chien-tranh-thuong-mai-mytrung-khong-co-dau-hieu-nhuong-bo-1327862.tpo