Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đối sách của DN Việt

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn gay cấn và có thể kéo dài, vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần để tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro.

Việt Nam đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản. Ảnh: Lê Tiên

Đó là một trong những thông điệp được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, diễn ra sáng 24/10/2018 tại TP.HCM.

Cuộc chiến ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trước những đòn áp thuế liên tục và ngày càng mạnh tay giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường thế giới đang có những biến động đáng kể. Cuộc thương chiến không chỉ tác động đến kinh tế của hai cường quốc, mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Cơ chế trả đũa không khoan nhượng giữa các bên làm cho thị trường biến đổi ngày một phức tạp, các lĩnh vực kinh tế, tài chính cũng bị kéo theo guồng quay đó.

Tuy nhiên, sẽ có không ít tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, tính đến nay, Mỹ đã có 3 đợt áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, 2 đợt đầu diễn ra vào tháng 7 và tháng 8/2018, tập trung vào các mặt hàng máy móc, trang thiết bị điện, điện tử nên chưa có tác động nhiều đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng đợt 3 diễn ra vào cuối tháng 9/2018, bắt đầu nhắm vào các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là đồ gỗ nội thất.

“Giả định đến cuối năm nay mức thuế Mỹ áp đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% tăng lên 25%, thì Trung Quốc bị giảm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ khoảng 6,8 tỷ USD. Khi đó, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ không dừng lại ở con số 4,67 tỷ USD như bây giờ mà chắc chắn sẽ tăng lên”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ và nhận định: “Không chỉ có gỗ, mà các sản phẩm khác từ da như giày dép, túi xách, va ly và các sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội lớn nếu biết nắm bắt, do những mặt hàng này của Trung Quốc và Mỹ bị tắc nghẽn.

Không loại trừ rủi ro

Không thể phủ nhận việc các doanh nghiệp đã và sẽ tận dụng được nhiều cơ hội từ cuộc chiến này, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý và hết sức thận trọng trước các rủi ro. Một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản, hay phức tạp hơn là có chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Mỹ trừng phạt Việt Nam.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở (tính bằng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Mỹ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, khuynh hướng gây áp lực của Mỹ với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Do đó, đòi hỏi phải có cách chơi mới, trong đó những nước không có ưu thế phải biết nâng cao sức cạnh tranh của mình trong chuỗi giá trị cung ứng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Mỹ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Trong đó, Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Mỹ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép đàm phán thương mại với Mỹ, nếu không sẽ bị Mỹ áp thuế đối với mặt hàng xe ô tô. Vì vậy, các nỗ lực để điều chỉnh quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Mỹ.

Ngô Ngãi

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-va-doi-sach-cua-dn-viet-82920.html