Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự bận rộn của các nhà đàm phán Việt Nam

Vị thế thương mại nói riêng và kinh tế nói chung của Việt Nam càng lúc càng được khẳng định giữa lúc cuộc chiến thương mại và thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là hai đối tác thương mại lớn nhất nhì của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đang đến hồi gay cấn.

Việt Nam có được vị thế tích cực khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra

Điều này được khẳng định qua thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong trả lời phỏng vấn hãng tin Bloooberg mới đây. Thủ tướng nói thông điệp của ông rất đơn giản: Việt Nam đang làm mọi điều có thể để vượt qua ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và thậm chí có khả năng còn tốt hơn trước đây. Thủ tướng khẳng định cuộc chiến thương mại này mang lại cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức, nhưng “cơ hội sẽ nhiều hơn”.

Một hệ quả dễ nhận thấy nhất của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính là sự chuyển dịch các cơ xưởng sản xuất tới các địa điểm khả dĩ “né” được sức nóng của các sắc thuế. Theo đó các công ty Mỹ đang cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất ra nơi khác. Theo một thăm dò của Bloomberg, khu vực ASEAN được xem là sự lựa chọn hàng đầu khi có đến 18,5% được xem xét trong khi Đông Á chỉ có 4,2% doanh nghiệp Mỹ có ý định, châu Âu là 4,2% và Mỹ latinh là 3,9%.

Theo các chuyên gia, ASEAN đang được xem là nơi thu hút các nhà máy mới nhờ chi phí sản xuất rẻ, tăng trưởng bền vững với 5 nền kinh tế lớn nhất trong khối đang tăng trưởng trung bình 5,3% và đang cải thiện thứ hạng môi trường kinh doanh. Và dĩ nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này trong khi theo giới chuyên gia dự đoán, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể kéo dài đến cả năm.

Một chuyên gia đầu tư đến từ Công ty Dragon Capital, ông Bill Stoops có những nhìn nhận cụ thể hơn. Theo quan điểm của ông này, Việt Nam có thể là “người chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài dịch chuyển vào Việt Nam do áp lực liên quan đến sự gia tăng các chi phí sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tiếp áp các mức thuế mang tính trả đũa lẫn nhau.

Thậm chí theo ông Bill Stoops, “ngay cả Trung Quốc cũng có thể dịch chuyển nhiều hoạt động sản xuất của họ sang Việt Nam chừng nào động thái này chưa bị Tổng thống Trump gây cản trở và đây là xu hướng có thể chứng kiến được”.

Liên quan đến điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nhìn nhận trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nội thất, thủy sản, túi xách, linh kiện điên, điện tử sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Song chuyên gia này cũng lưu ý là doanh nghiệp sản xuất nội thất, thực phẩm, hóa chất, nhựa cao su cho nội địa sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ hàng Trung Quốc tràn sang.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhìn nhận, mối bận tâm của Việt Nam hiện nay không phải là cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài bao lâu mà Việt Nam đang bận rộn cho việc khẳng định một vị trí vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi tham gia vào các thỏa ước thương mại toàn cầu. Hệ quả như ông Federic Burke đến từ Công ty luật Baker McKenzie mô tả, “hàng trăm triệu USD đầu tư vào Việt Nam để chế tạo và lắp ráp mọi thứ từ điện thoại đến máy tính cao cấp so với thời chỉ xuất khẩu giày dép và áo thun”.

Việc Việt Nam đang hối hả tham gia vào nhiều thỏa ước thương mại tự do quan trọng là minh chứng cho nhận xét của bà Eugenia Victorino, phụ trách chiến lược ở khu vực châu Á của hãng Skandinaviska Enskilda Banken AB, Việt Nam có một đội ngũ đàm phán thương mại bận rộn nhất trong ASEAN. Và đó mới là cái đích đến thực sự chứ không phải là kết cục khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hạ màn.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-va-su-ban-ron-cua-cac-nha-dam-phan-viet-nam-109996.html