Chiến tranh thương mại: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn?

thegioitiepthi.vn Liệu tiền đồng có tiếp tục giữ được sự ổn định tích cực như thời gian qua? Và liệu Việt Nam có tránh được cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ đang cầm trịch, hay có thể sẽ rơi vào vòng xoáy này một khi chính quyền Trump có thể gia tăng đánh thuế lên các quốc gia khác mà Mỹ đang phải chịu thâm hụt ngoài Trung Quốc?

Vốn FDI tăng tích cực

Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017, đó là số liệu theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, có 1.656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng thể hiện tích cực khi tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2017, đạt 9,85 tỷ USD.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Xét theo đối tác đầu tư, 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,73 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư.

Xét theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đăng ký 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. Tp.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 4,12 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỷ USD chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp cũng ghi nhận sự tăng mạnh, khi cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng mạnh 53,3% so với cùng kỳ 2017. Còn theo số liệu cập nhật của Ủy ban Giám sát ài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tuần đến 19/7, thì khối ngoại đã mua ròng 1,52 tỷ USD trên thị trường chứng khoán chính thức, trong đó 1,47 tỷ USD là ở cổ phiếu và 52 triệu USD trái phiếu.

Việt Nam vẫn là địa điểm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài với hàng loạt dự án mới

Việt Nam được lựa chọn?

Trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu tăng lên trước chiến tranh thương mại, cũng như đồng USD mạnh trở lại gây ra cuộc tháo chạy của dòng vốn đầu tư ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, thì có thể nói rằng đến giờ này Việt Nam vẫn khá thành công khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào chưa cho thấy sự ảnh hưởng.

Rõ ràng là trong bối cảnh đồng tiền của các nền kinh tế khác bị mất giá mạnh so với USD, thì tiền đồng vẫn giữ được sự ổn định tương đối. Theo báo cáo của UBGSTCQG thì các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá so với đồng USD từ đầu năm 2018 (từ 1,8% đến 8%), trong đó giảm mạnh nhất là đồng Rupee của Ấn Độ khi giảm đến 8%. Nguyên nhân là do các đồng tiền của châu Á đang chịu sức ép từ đà tăng giá của đồng đô la Mỹ và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Trung Quốc gần đây cũng liên tiếp phá giá tiền tệ, trong khi một nền kinh tế lớn khác tại Đông Nam Á là Indonesia gần đây cũng phải chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tiếp bị rút ra, càng khiến đồng nội tệ của Indonesia suy yếu. Trong tình hình này, Việt Nam có thể được lựa chọn để dòng vốn bị rút ra tại các nước khác đổ vào, khi rủi ro tỷ giá của tiền đồng là thấp trong suốt thời gian qua.

Thứ hai là với cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tất yếu sẽ bị ảnh hưởng. Rõ ràng với khả năng hàng xuất từ Trung Quốc vào Mỹ bị tăng thuế, thì các tập đoàn nước ngoài khó có thể đặt các nhà máy tại Trung Quốc để mở rộng sản xuất như trước đây. Và Việt Nam với những lợi thế tương đồng với Trung Quốc, thì có thể lại hưởng lợi khi thu hút dòng vốn này.

Hiệp định CPTPP góp phần nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Ngoài ra, chính các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng có thể lựa chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất nhằm tránh hàng rào thuế quan của Mỹ áp lên sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Với vị trí địa lý gần Trung Quốc, cũng như đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do gần đây, mới nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái Bình Dương (CPTPP), thì Việt Nam càng trở nên thu hút dòng vốn đầu tư này.

Dù vậy, sự bất ổn phía trước là vẫn khó đoán định. Liệu tiền đồng có tiếp tục giữ được sự ổn định tích cực như thời gian qua, khi mà những ngày gần đây liên tiếp chịu nhiều áp lực. Và liệu Việt Nam có tránh được cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ đang cầm trịch, hay có thể sẽ rơi vào vòng xoáy này một khi chính quyền Trump có thể gia tăng đánh thuế lên các quốc gia khác mà Mỹ đang phải chịu thâm hụt ngoài Trung Quốc?

Nếu những điều này thực tế xảy ra trong tương lai, thì những lợi thế trước mắt của Việt Nam sẽ không còn và do đó tất yếu ảnh hưởng tiêu cực lên dòng vốn đầu tư trở lại.

MẪN NHI

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chien-tranh-thuong-mai-viet-nam-tro-thanh-diem-den-hap-dan-8937.html