Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung, những rủi ro khó lường

Từ cuộc chiến thương mại đến chiến tranh tiền tệ chỉ là một bước đi đơn giản nhưng đầy nguy hiểm.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là cuộc chiến "cân não" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là cuộc chiến "cân não" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Khi Mỹ tuyên bố Trung Quốc cố tình định giá thấp đồng Nhân dân tệ hôm 5/8 vừa qua, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu lan sang lãnh địa tiền tệ vốn rất “dễ cháy” - với những hậu quả ghê gớm đối với hệ thống tài chính toàn cầu nếu tiếp tục leo thang.

Cáo buộc Trung Quốc

Ngày 5/8, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, giá nhân dân tệ (NDT) phá mốc 7 NDT đổi một USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nội tệ xuống thấp nhất kể từ cuối năm ngoái. PBOC giải thích động thái này chủ yếu để thể hiện sự lo ngại của thị trường về “các biện pháp bảo hộ và thuế nhập khẩu mới nhằm vào Trung Quốc”.

Đây không phải lần đầu tiên PBOC làm dấy lên mối lo chiến tranh tiền tệ kể từ khi thương chiến với Mỹ bùng phát cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, với các diễn biến leo thang gần đây, và việc để đồng nội tệ xuống thấp kỷ lục, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp: Họ sẵn sàng sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến căng thẳng thương mại leo thang khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu còn lại từ ngày 1/9 tới.

"Việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc 7 NDT đổi một USD cho thấy họ gần như đã từ bỏ hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ", Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế học cấp cao khu vực Trung Quốc tại Capital Economics - nhận xét.

Ảnh minh họa.

Mỹ đã nhanh chóng phản ứng với hành động của Trung Quốc. Tối 5/8, Tổng thống Trump lên Twitter chỉ trích Trung Quốc cố tình kiềm giá đồng Nhân dân tệ và gọi hành động hạ giá nội tệ là "một sự vi phạm nghiêm trọng".

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng chính thức đưa ra cáo buộc tương tự nhằm vào Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 1994. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn cho biết sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Bắc Kinh nhờ việc hạ giá đồng nội tệ.

Một mối lo ngại ngày càng rõ ràng hơn trên các thị trường là chính quyền Mỹ có thể can thiệp trực tiếp làm suy yếu đồng USD. Tuy đồng yen, euro và bảng Anh đều là những mục tiêu tiềm năng, nhưng phạm vi lớn nhất cho sự bất ổn tài chính toàn cầu liên quan đến Mỹ và Trung Quốc.

Vũ khí hóa dự trữ ngoại tệ

Cựu Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Paul Volcker đã từng đề cập đến mối quan hệ tài chính chặt chẽ giữa Mỹ và Trung Quốc như là một mối quan hệ “có khả năng gây tử vong”. Những mối quan hệ này bao gồm thực tế là Trung Quốc nắm giữ hơn 1 triệu USD trái phiếu Kho bạc Mỹ. Trong bối cảnh cọ xát thương mại nặng nề giữa hai nước, kịch bản ác mộng sẽ là việc vũ khí hóa kho dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc chống lại Mỹ.

Trong 3 tháng tính đến hết tháng Năm, sở hữu trái phiếu Chính phủ Mỹ của Trung Quốc đã giảm 20,7 tỷ USD xuống còn 1.100 tỉ USD. Dù vậy đây vẫn là cổ phần nước ngoài lớn nhất trong thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ, mặc dù nó đã bị thu hẹp 81 tỷ USD kể từ tháng 6 năm ngoái. Nhưng về lâu dài, quyền sở hữu của Trung Quốc đối với Kho bạc Mỹ đã giảm từ mức cao nhất 14% trong năm 2011 xuống còn 7% theo số liệu mới nhất. Rõ ràng, mức độ Bắc Kinh sẵn sàng cấp tiền cho thâm hụt tài chính ngày càng lớn của Mỹ là đang suy yếu dần.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải thích sự chuyển dịch của Trung Quốc khỏi thị trường nợ có chủ quyền lớn nhất thế giới, và liệu mọi người có quá thổi phồng về mối lo vũ khí hóa dự trữ ngoại tệ hay không.

Thực tế thì nỗi sợ Trung Quốc sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính để tác động đến chính sách của Mỹ không phải không có cơ sở. Trở lại năm 2011, ông Ding Gang, một biên tập viên cao cấp của tờ Nhân Dân nhật báo, đã lập luận trong một bài bình luận rằng Bắc Kinh nên sử dụng sức mạnh tài chính của mình để dạy cho Mỹ một bài học nhằm đáp trả việc bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc).

Rủi ro với cả hai

Tờ New York Times cho rằng những động thái mới nhất có nguy cơ làm đảo lộn trật tự tương đối ổn định, tạo ra hiệu ứng bất ổn không thể đoán trước. Khi tiền tệ dao động mạnh mẽ, chúng có thể kéo theo nền kinh tế của một số quốc gia hùng mạnh nhất, chẳng hạn như bằng cách “nghiền nát” các lĩnh vực kinh tế bỗng trở nên mất tính cạnh tranh chỉ vì biến động tỉ giá trên toàn cầu.

Và nó có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính quốc tế, đặc biệt là nếu các cáo buộc hạ giá nội tệ được đưa ra bằng sự trả đũa cụ thể nhằm cố gắng làm giảm giá trị của đồng đôla Mỹ một cách giả tạo.

Adam Posen, Chủ tịch Viện Peterson (Mỹ), cho biết đồng đôla Mỹ là loại tiền tệ toàn cầu chính mang lại lợi ích to lớn cho Mỹ, nhưng luôn có tác dụng phụ là khi Mỹ cố gắng giảm giá, thì lại có những giới hạn về mức độ họ có thể làm điều đó. Nếu Mỹ lạm dụng đặc quyền của mình quá nhiều bằng cách “bắt nạt”, cuối cùng sẽ có một sự chuyển đổi.

Chỉ số S&P 500 mất 87 điểm ngày 5/8, con số mất mát lớn nhất trong một ngày kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh có động cơ để ngăn chặn bất kỳ sự mất giá nào nữa nhằm chặn đứng tình trạng tháo vốn. Nạn tháo chạy vốn vào năm 2015-2016 từng khiến Bắc Kinh phải chi khoảng 1.000 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối trị giá 4.000 tỷ USD để bảo vệ đồng Nhân dân tệ. Việc đồng nội tệ giảm giá quá sâu cũng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ khi những người vay Trung Quốc đấu tranh để trả các khoản nợ ngoại tệ bằng đồng Nhân dân tệ mất giá.

Theo Viện Tài chính Quốc tế, các công ty phi tài chính Trung Quốc hiện nợ 800 tỷ USD, tương đương 6% GDP, trong khi các ngân hàng Trung Quốc nợ lên tới 670 tỷ USD, tương đương 5% GDP. Các nhà phát triển bất động sản đã phát hành trái phiếu trị giá hàng chục tỷ USD để khai thác lãi suất cực thấp của Mỹ ngay cả khi lợi nhuận của họ giảm ở trong nước.

Và đây chỉ là những khoản nợ ở nước ngoài của Trung Quốc mà chúng ta biết. Dòng vốn chảy qua Hong Kong (Trung Quốc) và các nơi khác khiến việc phát hiện tất cả các khoản nợ nước ngoài của Trung Quốc trở nên khó khăn. Một làn sóng vỡ nợ đột ngột của đồng USD và các loại tiền tệ khác, do căng thẳng tỷ giá, sẽ đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào cuộc suy thoái đầu tiên trong thời kỳ cải cách.

Các nền kinh tế châu Á khác cũng đang đối mặt với những rủi ro của chiến tranh tiền tệ. Hôm 5/8, đồng won Hàn Quốc đã giảm 1,4% so với đôla Mỹ. Hàn Quốc là một phần của một “liên minh nhân dân tệ” mới nổi – gồm các quốc gia có giao dịch rộng rãi với Trung Quốc - và kết quả là đồng tiền của họ chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá trị của đồng nhân dân tệ.

Container hàng hóa xuất khẩu chờ ở cảng Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới, nắm giữ tài sản nước ngoài ròng 3.200 tỷ USD vào năm ngoái. Người tiết kiệm Nhật Bản đã gửi tiền bằng USD ở nước ngoài để kiếm lợi nhuận cao hơn. Một đồng yen mạnh hơn sẽ làm giảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư đó, làm giảm thu nhập của công ty và hộ gia đình, và gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nhật Bản.

Những biến động tiền tệ này sẽ kết thúc ở đâu, lúc này chỉ là điều phỏng đoán. Một trong những quan niệm thương mại của Tổng thống Trump, là ông có thể điều khiển thị trường theo ý muốn bằng cách áp thuế lên hoặc xuống. Nhưng thị trường tiền tệ có xu hướng vượt qua và gây ra “thương vong” bất ngờ.

Tổng thống Trump đang trừng phạt Trung Quốc, nhưng ông cũng đặt tăng trưởng của Mỹ vào tình trạng nguy hiểm bằng cách giải phóng các rủi ro thương mại và tiền tệ, vốn làm suy yếu những lợi ích của cải cách thuế mà ông đặt ra.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chien-tranh-tien-te-mytrung-nhung-rui-ro-kho-luong-20190808002317887.htm