Chiến tranh và hòa bình

Một khát vọng hòa bình trong cuộc chiến Nga-Ukraine đối chiếu với vài ý tưởng từ tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.

Trong khi thành phố quê hương Kharkiv ở Ukraine hứng bom đạn, lão ông 97 tuổi Leonid Stanislavskyi vẫn nuôi hy vọng sống sót. Ông mơ sẽ có ngày mình được chơi quần vợt khi hòa bình trở lại, không chỉ ở quê nhà Ukraine mà cả ở các sân bóng quốc tế như ông đã từng làm.

Chỉ hơn bốn tháng trước, với tư cách là vận động viên quần vợt lớn tuổi nhất hành tinh được công nhận bởi Sách Kỷ lục Thế giới Guinness, Stanislavskyi đã có trận đấu biểu diễn với Rafael Nadal, người đang nắm giữ kỷ lục 21 chức vô địch các giải Grand Slam. Ông còn hy vọng sẽ có ngày được so vợt với Roger Federer, một huyền thoại khác trong làng banh nỉ. Nhưng điều thực tế hơn đối với Stanislavskyi là làm sao vẫn tồn tại được trên cõi đời này trong cuộc chiến với nước Nga láng giềng.

Lão ông Leonid Stanislavskyi so vợt với Rafael Nadal.

Câu chuyện của vận động viên quần vợt lớn tuổi nhất thế giới người Ukraine được hãng thông tấn Reuters tường thuật và sau đó được đăng lại trên CNN(1) phần nào phản ảnh khát vọng hòa bình của những người dân bình thường giữa khói lửa chiến tranh. Ai đã từng đọc hay có hiểu biết về bộ tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào người Nga Leo (Lev) Tolstoy (1828-1910) có thể so sánh tâm trạng của Stanislavskyi với những gì nhà văn này muốn thể hiện trong tác phẩm để đời của mình.

Tolstoy với Chiến tranh và hòa bình

Tolstoy được xem là một trong những đại văn hào vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Tự điển Bách khoa Toàn thư Britannica giới thiệu về ông như sau: “Leo Tolstoy [là] (…) bậc thầy về tiểu thuyết hiện thực và là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới (…). Phần lớn độc giả sẽ đồng ý với đánh giá của Matthew Arnold, nhà thơ và nhà phê bình người Anh ở thế kỷ 19, rằng tiểu thuyết của Tolstoy không chỉ là tác phẩm mà còn là một phần của cuộc sống; còn nhà văn Nga Issak Bebel nhận xét rằng, nếu quả đất này biết cầm bút lên để tự viết, khi ấy địa cầu sẽ viết như Tolstoy”(2).

Chiến tranh và hòa bình được xem là trước tác tiêu biểu nhất trong gia tài văn học đồ sộ của Tolstoy. Được thai nghén, viết và in trong khoảng thời gian từ năm 1863-1869, bộ tiểu thuyết dài khoảng 3.000 trang khi được dịch sang tiếng Việt. Cách đây hơn nữa thế kỷ khi đất nước còn bị chia cắt, bộ tiểu thuyết này đã được xuất bản ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn trong những năm 1960.

Dù tóm tắt cốt truyện của một tác phẩm như vậy là quá sức đối với khuôn khổ bài báo 1.700 chữ này, xin tạm lược dịch từ Britannica như sau(3).

Chiến tranh và hòa bình bắt đầu với bối cảnh thành phố Nga St. Petersburg năm 1805, nơi người ta lo lắng về cuộc chiến sắp xảy ra với Hoàng đế Napoleon của nước Pháp. Phần lớn các nhân vật chính được giới thiệu trong một buổi tiệc, bao gồm Công tước Andrey Bolkonsky, Pierre Bezukhov, gia đình Kuragin và gia đình Rostov. Sau khi gia nhập quân đội, bị thương nặng và được xem là tử trận trong chiến đấu với quân của Napoleon, Andrey tìm được đường trở về với Lise, vợ anh, người mất sau đó trong lúc lâm bồn. Về phần mình, Peirre cưới Helene thuộc gia đình Kuragin, một người lẳng lơ, nên chỉ ít lâu sau, anh chia tay. Năm 1807, Sa hoàng Nga Alexander I ký một hiệp ước hòa bình với Napoleon. Trái tim nguội lạnh của Andrey được sưởi ấm bởi tiểu thư Natasha Rostov. Nhưng cha Andrey ra điều kiện anh chỉ được cưới Natasha sau một năm, còn anh phải lên đường ra nước ngoài. Ít lâu sau, biết Natasha phản bội mình, Andrey nhờ Pierre trả lại kỷ vật giữa hai người. Khi an ủi Natasha, Pierre cảm thấy yêu nàng.

Năm 1812, Napoleon tấn công nước Nga. Andrey trở lại quân ngũ và Pierre tự trao cho mình nhiệm vụ phải ám sát Napoleon. Sau khi bị thương nặng trong một trận đánh, trên đường chuyển về hậu phương, Andrey gặp lại Natasha. Anh tha thứ cho nàng, người chăm sóc mình cho đến khi anh mất vì vết thương quá nặng. Còn Pierre, bị quân Pháp bắt, rồi trở lại tự do sau khi quân Nga cuối cùng thắng quân Pháp, gặp lại và cưới Natasha.

Theo Britannica(4), công tước Andrey Bolkonsky là một nhân vật kiêu hãnh, xem thường mọi điều giả dối, phù du và các thông lệ của giới thượng lưu Nga lúc bấy giờ. Nhận ra sự dối trá của xã hội quý tộc, Andrey gia nhập quân đội mong tìm được vinh quang, điều mà khi ấy anh cho là có ý nghĩa thực sự. Tuy nhiên, sau khi bị thương chí mạng, anh nhận ra rằng ánh hào quang mình khát khao và hoàng đế Napoleon mình từng ngưỡng mộ cũng tầm thường không kém giới quý tộc ở Petersburg. Trong tác phẩm, Andrey nhiều lần trải nghiệm sự vô nghĩa, trống rỗng trong những việc anh dấn thân thực hiện. Mô tả của Tolstoy về cái chết Andrey thường được xem một trong những đoạn cao trào nhất trong nền văn học Nga.

Hòa bình mà không cần chuẩn bị chiến tranh, được không?

Trong lịch sử loài người, chiến tranh bắt đầu ngay từ buổi bình minh của nhân loại. Từ đó đến nay, chiến tranh chưa bao giờ thực sự chấm dứt trên quả địa cầu. John Keegan, nhà sử học quân sự người Anh, viết trong tác phẩm Lịch sử chiến tranh của mình như sau: “… chiến tranh đã xuất hiện từ nhiều nghìn năm trước khi có nhà nước, có chính sách ngoại giao và chiến lược. Chiến tranh gần như cũng lâu đời như chính loài người…”(5).

Dù tàn bạo, chiến tranh vẫn ám ảnh con người đến nỗi họ vẫn lưu hành câu tục ngữ nổi tiếng “Si vis pacem, para bellum” qua bao nhiêu thế kỷ. Tục ngữ bằng tiếng Latinh này – nghĩa là “muốn có hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh” – ra đời từ lâu lắm rồi đến nỗi không ai biết rõ nguồn gốc của nó. Nhưng cho tận ngày nay, phần lớn loại người – dù có yêu hòa bình đến đâu – cũng chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của lời răn này.

Ông lão 97 tuổi Leonid Stanislavskyi nêu ở đầu bài viết chắc cũng không phải là ngoại lệ. Stanislavskyi nói với phóng viên Reuters rằng mình muốn sống đến 100 tuổi. Nhưng trước hết, ông phải vượt qua được tình cảnh chiến tranh hiện tại.

Stanislavskyi cho biết con gái ông ở Ba Lan muốn rước ông sang cùng. Tuy vậy, ông từ chối vì đã quyết định ở lại quê nhà. Chung quanh ông rền vang tiếng bom đạn cả ngày lẫn đêm, nhưng do bị lãng tai nên Stanislavskyi không bị ảnh hưởng nhiều.

Thực ra, đã sống đến tuổi này, Stanislavskyi không lạ gì với ký ức ghê sợ của chiến tranh do đã trải qua những năm dài dưới bom đạn trong Thế chiến thứ hai 1939-1945.

Stanislavskyi bảo ông không thể tưởng tượng được sẽ có ngày lại phải đối mặt với một cuộc chiến ghê sợ nữa gây chết chóc cho cả hai phía – dẫn đến bao cảnh mẹ mất con, vợ mất chồng đau lòng.

Tuy nhiên, chính câu hỏi sau đây của ông có thể làm tất cả chúng ta phải suy nghĩ thêm để chia sẻ. Stanislavskyi nói: “Cuộc chiến này là gì? Nó mang lại lợi lộc gì? Chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21 rồi, không thể có chiến tranh”.

Dù gì đi chăng nữa, chiến tranh vẫn phải sử dụng đến bạo lực. Và khi nền văn minh nhân loại đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba, thì mọi việc vì bất cứ lý do gì phải dùng bạo lực đều rất đáng tiếc.

Đến đây xin bàn thêm về một vấn đề khác có liên quan đến đạo đức và nhân văn. Theo Trung tâm thông tin về tội tử hình (Dealth Penalty Information Center), trong thời gian gần đây, việc áp dụng hình phạt tử hình đã giảm đi đáng kể khắp thế giới(6). Cũng theo tổ chức này, từ năm 1976 đến nay, hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đã loại bỏ án tử hình cho tất cả các tội danh, dù người phạm tội có ghê gớm đến mức nào; hoặc không áp dụng hình phạt này cho các tội danh thông thường.

Như vậy, tại nhiều quốc gia, con người đã tránh được chuyện bắt một đồng loại đổi mạng sống của mình để đền bù cho lỗi lầm đã phạm phải, dù tội ác đó có tày đình đến đâu đi nữa. Đây là quan điểm và hành động nhân văn. Vậy thì, cớ sao con người đã biết thương xót cho sinh mạng của từng cá nhân đồng loại và loại bỏ ản tử hình, lại chưa chịu thương xót đến thiệt hại nhân mạng lớn hơn nhiều trong những cuộc chiến tranh? Cớ sao nhân loại đã cùng góp sức xóa bỏ bệnh đậu mùa và đang tiến dần đến thời điểm loại bỏ luôn hình phạt tử hình, lại chưa thể bắt tay nhau cùng khai tử chiến tranh trên toàn thế giới?

Sau một cuộc chiến, dù ai thắng, ai bại, ai hưởng lợi, ai chịu thiệt, ai hả hê, ai đau khổ, thì mất mát lớn nhất không gì bù đắp nỗi vẫn là những nạn nhân của chiến tranh – đặc biệt là những người lính và những người dân thường.

Ước gì nhân loại vẫn có được hòa bình mà không cần phải chuẩn bị chiến tranh!

———-

(1)https://edition.cnn.com/2022/03/07/tennis/worlds-oldest-tennis-player-ukraine-war-zone-spt-intl/index.html

(2),(4)https://www.britannica.com/biography/Leo-Tolstoy/Fiction-after-1880

(3)https://www.britannica.com/topic/War-and-Peace

(5)Lịch sử Chiến tranh, John Keegan, bản tiếng Việt ấn hành bởi Nhã Nam – Nhà Xuất bản Lao Động, 2018, trang 19

(6)https://deathpenaltyinfo.org/policy-issues/international/countries-that-have-abolished-the-death-penalty-since-1976

Trần Thanh Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chien-tranh-va-hoa-binh/