Chiến tranh và xung đột đe dọa hủy hoại di tích lịch sử nhân loại

Cấu trúc tháp của thánh đường Hồi giáo Umayyad - một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất ở Syria - đã bị phá hủy trong những cuộc giao tranh khốc liệt ở thành phố Aleppo vào tháng 10-2012. Cơ quan thông tấn nhà nước Sana buộc tội quân nổi dậy đã đánh bom làm sập tháp Umayyad thuộc thế kỷ 11, trong khi đó các nhà hoạt động chính trị cho rằng cấu trúc bị trúng đạn xe tăng của quân chính phủ...

Mối lo ngại về di sản văn hóa Syria giữa cuộc nội chiến khốc liệt

Trung tâm về Di sản Thế giới thuộc Khu vực Arập (ARCWH) đặt trụ sở tại thủ đô Manama của Vương quốc Bahrain được thành lập dưới sự bảo trợ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) để công nhận những di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới Arập. Hiện nay, Trung tâm đang lập một trang web mới về di sản thế giới trong khu vực bằng tiếng Arập, với mục đích tuyên truyền về những di sản phong phú cần được bảo vệ trong khu vực thường xảy ra xung đột.

Mounir Bouchenaki, giám đốc người Algeria của ARCWH, cho biết mối lo ngại về an ninh khiến chuyên viên trung tâm không thể viếng thăm được nhiều địa điểm di tích ở Syria, nhưng vào đầu năm 2013 trung tâm đã sắp xếp một đường liên kết Internet giữa các chuyên gia bảo tồn tại 6 khu vực di sản văn hóa được UNESCO công nhận của nước này và các cơ quan quốc tế có liên quan.

Cấu trúc tháp của Thánh đường Hồi giáo Umayyad ở Aleppo trước và sau khi bị phá hủy.

Bouchenaki giải thích: “Chúng tôi phải bảo đảm rằng họ không cảm thấy bị cô lập. Do đó, chúng tôi luôn duy trì các đường liên kết Internet từ trung tâm”.

Các chuyên gia khảo cổ cũng lo ngại cho tương lai của những kiến trúc lịch sử bởi vì giữa cuộc nội chiến hiện nay ở Syria chúng vô tình trở nên quan trọng về mặt chiến lược quân sự! Giám đốc các nhà bảo tàng và di tích cổ ở thủ đô Damascus của Syria cũng đã viếng thăm trụ sở ARCWH để bàn luận về 6 khu vực di tích - bao gồm: cổ thành Damascus, cổ thành Bosra, cổ thành Aleppo, khu khảo cổ Palmyra, 2 lâu đài cổ Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din (Pháo đài Saladin) và cuối cùng là những ngôi làng cổ ở miền bắc Syria - trong danh sách di sản thế giới của UNESCO đang gặp nguy hiểm.

UNESCO không có khung pháp lý để giới hạn sự tổn hại gây ra cho các khu di tích bằng cách áp đặt những vùng cấm bay hay triển khai các lực lượng quốc tế. Tuy nhiên, Ali Al Zein, nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình Liban, cho rằng nên có sự trừng phạt thích đáng đối với tội ác chống lại di sản văn hóa.

Irina Bukova, Tổng Giám đốc UNESCO, nhấn mạnh tổ chức quyết định sử dụng chuyên môn và các mạng lưới của mình để giúp nhân dân Syria bảo vệ di sản văn hóa quý giá của họ trước sự tàn phá ghê gớm của chiến tranh.

Cấu trúc tháp của thánh đường Hồi giáo Umayyad - một trong những kiến trúc cổ nổi tiếng nhất ở Syria - đã bị phá hủy trong những cuộc giao tranh khốc liệt ở thành phố Aleppo vào tháng 10-2012. Cơ quan thông tấn nhà nước Sana buộc tội quân nổi dậy đã đánh bom làm sập tháp Umayyad thuộc thế kỷ 11, trong khi đó các nhà hoạt động chính trị cho rằng cấu trúc bị trúng đạn xe tăng của quân chính phủ.

Thánh đường - được UNESCO công nhận di sản thế giới - rơi vào tay của quân nổi dậy vào đầu năm 2013 trong khi khu vực xung quanh vẫn còn diễn ra những cuộc giao tranh. Tháng 10-2013, UNESCO kêu gọi bảo vệ thánh đường - di tích được đánh giá là một trong những thánh đường đẹp nhất của thế giới Hồi giáo. Những hình ảnh đưa lên Internet cho thấy cấu trúc tháp đã thành đống gạch vụn trong khu sân lát đá!

Những phần khác của thánh đường cũng bị tổn hại nặng nề do đạn pháo. Thánh đường, nằm ở trung tâm cổ thành Aleppo, được triều đại Umayyad thành lập năm 715 trong khu đất Giáo hội Cơ đốc Byzantine. Thánh đường được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn năm 1159 và một lần nữa sau cuộc xâm lược của quân Mông Cổ vào năm 1260. Cấu trúc tháp của thánh đường Umayyad cao 45 mét được xây dựng từ năm 1090.

Ngoài ra, các chuyên gia khảo cổ cũng đang lo ngại về số phận 2 tòa lâu đài cổ thuộc thế kỷ 11 và 13 - đó là Crac des Chevaliers và Qalat Salah El-Din. Theo một báo cáo của chính quyền Syria gửi đến UNESCO, 2 tòa lâu đài này “trở thành nạn nhân của bom đạn”.

Pháo đài cổ Crac des Chevaliers ở Syria.

Cảnh báo về di sản văn hóa của Gaza

Bà Hayam Albetar, nhà khảo cổ ở Bộ Du lịch và Di tích cổ của Hamas, tuyên bố: “Bên dưới mặt đất Gaza hiện nay là một Gaza khác nhưng mỗi di chỉ khảo cổ ở đây đều gặp tai nạn. Chúng tôi phát hiện một giáo đường Byzantine khi công nhân đào đất để xây dựng con đường Salahedin và vấp phải một tác phẩm khảm ghép Mosaic cổ. Rất ít cổ vật được khám phá nếu so sánh với những gì còn nằm sâu dưới lòng đất”.

Vào thời cổ xưa, Mosaic là nghệ thuật tạo hình ảnh với tập hợp rất nhiều mảnh ghép vật liệu nhỏ, bao gồm gốm, đá tự nhiên, thủy tinh màu hoặc vật liệu khác. Các tác phẩm khảm ghép Mosaic được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các trung tâm văn hóa, tôn giáo như La Mã hay Hy Lạp.

Bộ Du lịch và Di tích cổ của Hamas là tổ chức chính thức chịu trách nhiệm về khai quật khảo cổ và bảo tồn di sản văn hóa cổ - nhưng công việc của bộ hiện nay đang đối mặt với nhiều trở ngại.

Các quan chức của bộ cho biết nhiều địa điểm lịch sử bị tổn hại nghiêm trọng do đạn pháo của Israel. Ví dụ, Điện Mamluk Al-Basha và những bức tường cổ ở khu phố xưa của Gaza cũng rạn nứt do ảnh hưởng gián tiếp từ bom đạn. Nhiều quan chức Bộ Du lịch và Di tích cổ nhận định công việc sửa chữa những thiệt hại của Giáo đường Byzantine sẽ rất khó khăn, nhất là do thiếu ngân sách.

Cầu Sighs ở Venice.

Hoạt động khôi phục và bảo tồn di tích cổ do Bộ tiến hành, các nhóm bên ngoài hiếm khi có bất cứ hình thức hỗ trợ nào do Hamas bị Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và những nước khác coi là một tổ chức khủng bố. Mặc dù vậy, bất chấp những sự thù địch, bà Hayam Albetar vẫn cố gắng bảo tồn di tích ở Gaza trong khả năng có thể làm được.

Nhưng, không chỉ chiến tranh gây khó khăn cho công việc trùng tu của bà Hayam Albetar, mà còn sự kiểm soát gắt gao của Israel với cớ bảo đảm an ninh và không cho phép bất cứ máy móc cũng như trang thiết bị nào hoạt động vì nghi ngờ những thứ này sẽ được các chiến binh lợi dụng để chống lại nhà nước Do Thái.

Bà Albetar giải thích: “Những người làm việc ở Gaza không thể ra bên ngoài để được huấn luyện và chúng tôi chỉ có thể sử dụng các công cụ tại chỗ vốn không cho phép chúng tôi tiến hành khai quật một cách chính xác. Một số vật liệu dùng để khai quật cũng bị Israel cấm đoán”.

Ngày nay, may mắn phần lớn các tranh khảm ghép Mosaic cổ được bảo vệ bởi những lớp cát dưới sâu. Các công cụ khảo cổ ở Gaza quá thô sơ nên không thể dùng để khai quật những di tích dễ bị hư hỏng và các chuyên gia bên ngoài khu vực cũng hiếm khi đến thăm những nơi này.

Tháp nghiêng Pisa nổi tiếng của Italia.

Trải qua hàng trăm năm, cảng Gaza là cửa ngõ mở ra phương Đông; xuất khẩu nước hoa, ngũ cốc, vải vóc và gia vị. Gaza chắc chắn chứa đựng một kho tàng khảo cổ ven biển phong phú. Salim, nhà sử học địa phương, cho rằng: “Vào một ngày yên bình nào đó, chúng ta sẽ có dịp nhìn thấy phần nền của cảng Mayumas nằm bên dưới mặt nước và sẽ khám phá những đồng tiền cổ, đồ gốm ở vùng bờ biển này”.

Mayumas - một cảng La Mã rộng đến mức chứa được 10 nhà thờ - đã biến mất từ lâu dưới lớp cát dưới biển sâu. Nhưng, như Salim nói, “chúng tôi thật sự không có cơ hội để tìm kiếm những tàn tích lịch sử dưới lòng biển”. Mà những tàn tích này đôi khi tự lộ ra. Cách đây vài năm, 8 cột La Mã bất ngờ trôi dạt vào bờ và sau đó chúng được xác định là các cột nhà thờ của cảng Mayumas.

Nhưng, phần đông người Gaza không mấy quan tâm chăm sóc những tàn tích lịch sử và cổ đại do họ còn phải bận tâm đến nạn thất nghiệp, cuộc sống nghèo khó và những hạn chế canh tác nông nghiệp, đánh cá và nhập khẩu.

Kho tàng di sản văn hóa quốc gia Italia bị đe dọa nghiêm trọng

Văn hóa được coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên của Italia, cũng giống như dầu mỏ ở Trung Đông. Italia từng được ví von là ngôi nhà của các di tích lịch sử được đưa vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, với khoảng 5.000 nhà bảo tàng và 60.000 địa điểm khảo cổ, hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Thế nhưng, các kho tàng văn hóa của Italia đã không nhận được sự bảo tồn đúng mức. Dĩ nhiên điều đó có tác động không nhỏ đến sự nghiệp trùng tu và bảo vệ di sản văn hóa đất nước. Ở Rome, Diego Della Valle, 58 tuổi, được coi là người đi tiên phong trong hoạt động bảo trợ văn hóa, song hiện nay sáng kiến cá nhân của ông đang có nguy cơ gặp thất bại khi phải đối đầu với bộ máy quan liêu trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

Đại hý trường La Mã Coliseum của Italia bị xuống cấp trầm trọng.

Năm 2012, Della Valle - người sở hữu công ty giày da Tod's - đánh bại các đối thủ lớn khác, bao gồm hãng vận tải giá thấp Ryanair và các công ty bất động sản, để độc quyền sử dụng Coliseum (hay, Colosseum - Đại hý trường La Mã) ở Rome. Della Valle hứa hẹn đầu tư 25 triệu euro cho công việc tu sửa toàn bộ kiến trúc 2.000 năm tuổi này, bao gồm kế hoạch xây dựng một trung tâm dành cho du khách.

Ông Giovanni Alemanno, Thị trưởng Rome, tỏ ra rất thích thú với dự án của Della Valle. Nhưng sau đó hiệp hội đại diện cho những công nhân trong ngành văn hóa đem vấn đề ra tòa án vì cho rằng dự án là bất hợp pháp. Công việc tu sửa dự kiến bắt đầu trong tháng 3-2013, song đã bị ách lại. Kể từ đó, Coliseum tiếp tục bị bỏ mặc với tình trạng những bức tường bong tróc và mặt tiền hóa đen giữa thành phố Rome nhộn nhịp giao thông.

Salvatore Settis từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia Italia trước khi ông từ chức để phản đối các chính sách về văn hóa của Berlusconi. Settis cho biết, Italia đã làm vơi đi niềm kiêu hãnh dân tộc khi cho phép một công ty Nhật Bản đóng góp 12 triệu euro trong nỗ lực củng cố tháp nghiêng Pisa.

Venice cũng từng đi đầu trong lĩnh vực bảo trợ văn hóa. Các công ty kinh doanh hàng hóa xa xỉ hy vọng sử dụng hình ảnh thành phố để đánh bóng nhãn hiệu của họ, như trường hợp nhãn hiệu thời trang Diesel chi tiền để trùng tu cây cầu cổ Rialto. Cung điện Doge và cầu Sighs quanh năm gánh trên mình những tấm biển quảng cáo khổng lồ của các ngân hàng và những nhà bán lẻ thời trang như Bulgari và Guess.

Thiên Minh (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chien-tranh-va-xung-dot-de-doa-huy-hoai-di-tich-lich-su-nhan-loai-491906/