Chiến trường Syria: Sau vụ Il-20, Nga đi nước cờ khiến mọi đối thủ kiêng nể?

Sau khi chiếc máy bay quân sự Il-20 của Nga bị bắn hạ ở chiến trường Syria, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã nhanh chóng đi một nước cờ được cho là sẽ khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải kiêng dè khi có ý định làm tổn hại đến các lực lượng của Nga.

Hệ thống tên lửa S-300

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm nay (24/9) tiết lộ, nước này sẽ đưa các hệ thống tên lửa phòng không cực mạnh S-300 vào chiến trường Syria trong hai tuần tới và “nước cờ” triển khai vũ khí này sẽ giúp Syria tăng cường năng lực chiến đấu của các lực lượng phòng không Syria.

Trong cuộc họp báo vừa diễn ra ngày hôm nay, Bộ trưởng Shoigu đã nói, Moscow sẽ bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Syria trong hai tuần tới và đây được xem là đòn đáp trả mạnh mẽ, cứng rắn của Moscow đối với vai trò của Israel trong vụ bắn rơi máy bay quân sự Il-20 của Nga hồi tuần trước, khiến 15 người thiệt mạng.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.

Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.

S-300 được trang bị nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, radar trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, radar điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ, cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.

S-300 được xem là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất thế giới hiện nay. Nó đã chứng minh được năng lực của mình không chỉ về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị. Ví dụ như S-300 từng trở thành vũ khí răn đe đáng sợ ở Syria năm 2012. Washington từng quyết định không tấn công lực lượng của Damascus bởi vì quân đội Syria có trong tay một số khẩu đội tên lửa phòng không S-300. Theo Zvezda, người Mỹ không muốn thấy S-300 xung trận ở Syria.

Việc Nga đưa các hệ thống S-300 đến chiến trường Syria đương nhiên sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Assad tăng cường sức mạnh phòng không lên rất nhiều. Điều quan trọng hơn, S-300 sẽ giúp bảo vệ cho lực lượng Nga đang đóng tại Syria.

Bộ trưởng Shoigu cho biết, Moscow từng hoãn không bàn giao các hệ thống tên lửa S-300 cho Damascus hồi năm 2013 theo yêu cầu của phía Israel. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và điều này “không phải do lỗi của Nga."

Ông Shoigu nhấn mạnh thêm, nếu các biện pháp mà Nga thực hiện sau vụ Il-20 không làm mát được “những cái đầu lạnh” thì “chúng tôi sẽ đáp trả phù hợp với tình hình”.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quoc-te/201809/chien-truong-syria-sau-vu-il-20-nga-di-nuoc-co-khien-moi-doi-thu-kieng-ne-615113/