Chiến trường Syria và cuộc đối thoại ba bên

Lãnh đạo các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào các vòng đối thoại ở Tehran (Iran) để thảo luận về bước tiến tiếp theo trên chiến trường Syria trong hôm 7/9 (giờ địa phương). Chính quyền Damascus, trong khi đó, đang chuẩn bị cho chiến dịch quân sự lớn mà Mỹ cảnh báo rằng sẽ can thiệp.

Các nhà lãnh đạo Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga họp ở Tehran. Nguồn: RT.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đón tiếp người đồng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm thứ Sáu. Ba nhà lãnh đạo sẽ cùng tham gia thảo luận về tiến trình Astana, nhằm giảm thang căng thẳng ở Syria và tạo bước chuyển tiếp chính trị, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 7 năm ở đất nước này. Tâm điểm của vòng đàm phán này sẽ là số phận của tỉnh Idlib, Syria.

Chiến dịch tấn công Idlib

Nằm ở khu vực phía Tây Syria, Idlib hiện là thành trì cuối cùng của các nhóm vũ trang chống Chính phủ, trong đó rất nhiều là chiến binh thánh chiến cực đoan. Khu vực này đang được thống trị bởi Hayat Tahrir al-Sham, một nhánh khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda. Tổng số lượng những kẻ cực đoan trong khu vực ước tính trong khoảng 10.000 - 60.000, trong khi 3,5 triệu người khác là thường dân.

Cuộc gặp ba bên ở Tehran được tổ chức trong lúc đang có nhiều tranh cãi về việc liệu những kẻ thánh chiến ở Idlib có thể bị đánh bại mà không cần tổ chức một chiến dịch quân sự lớn hay không. Chính phủ Syria dường như quyết tâm thực hiện chiến dịch tấn công lớn, trong đó có sự hỗ trợ không kích từ Nga và sự hỗ trợ dưới mặt đất từ Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ, nằm sát biên giới với tỉnh Idlib, phản đối chiến dịch tấn công, nói rằng nó sẽ gây ra làn sóng tị nạn đổ sang nước này, trong đó không loại trừ khả năng chiến binh thánh chiến thâm nhập.

Trong trường hợp chiến dịch tấn công Idlib thành công, đó sẽ là một chiến thắng của Chính phủ Syria khi chiến được thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy.

Thỏa thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ

Mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về một cuộc xung đột bùng nổ ngay gần biên giới của họ là điều dễ hiểu, tuy nhiên, đề xuất của Ngoại trưởng nước này, ông Mevlut Cavusoglu, trong việc phân biệt những kẻ khủng bố và thường dân nhờ mạng lưới tình báo lại không khả thi.

Những kẻ thánh chiến đã có khoảng thời gian vài năm qua để chuẩn bị cho một cuộc tấn công và thường xuyên sử dụng thường dân để làm lá chắn sống. Mọi cuộc tấn công thành công trước đây - do Mỹ và lực lượng người Kurd thực hiện ở Raqqa - đều gây tổn thất nặng nề về nhân mạng và cơ sở hạ tầng dân sự, dù Mỹ đã cam kết sẽ phân biệt thường dân và những kẻ khủng bố.

Trong cuộc gặp ba bên lần này, có khả năng Nga và Iran sẽ cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rằng một chiến dịch tấn công nhằm vào Idlib là điều cần thiết, cùng lúc giải quyết những mối quan ngại của chính quyền Ankara - Huseyin Bagci, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kỹ thuật Trung Đông, trụ sở tại Ankara, nhận định.

“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đảm bảo an toàn cho các nhóm nổi dậy mà họ từng hậu thuẫn trước kia. Bởi vậy, một thỏa thuận mới sẽ tập trung vào việc sơ tán những nhóm người này khỏi Idlib”- ông Bagci nhận định.

Đe dọa trực diện

Trong lúc công tác chuẩn bị chiến dịch tấn công đồ sộ đang diễn ra, Mỹ đã đưa ra nhiều lời cảnh báo. Chính quyền Washington dường như tin rằng quân đội Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib. Họ đe dọa sẽ trả đũa về mặt quân sự tương tự như đòn không kích hồi tháng Tư năm nay. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley thậm chí còn đe dọa sẽ tấn công vào thủ đô Damascus trước khi Chính phủ Syria thực hiện chiến dịch tấn công Idlib.

Trong khi đó, quân đội Nga đã liên tiếp cảnh báo rằng một vụ tấn công hóa học giả mạo đang được lên kế hoạch bởi nhóm phiến quân Jabhat Fateh al-Sham với sự giúp đỡ từ Anh nhằm đổ vấy cho chính quyền Syria. Phản ứng luận điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Mỹ “không có thông tin tình báo” cho thấy phe nổi dậy ở Syria sở hữu vũ khí hóa học.

Thế nhưng bình luận của ông Mattis dường như mâu thuẫn với những tuyên bố mà giới chức Mỹ đưa ra trước đó, trong đó cáo buộc nhóm Hayat Tahrir al-Sham sử dụng vũ khí hóa học.

Mỹ từng 2 lần tấn công lực lượng chính phủ Syria nhằm đáp trả các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Nếu một cuộc tấn công lớn xảy ra ở Idlib, Mỹ cũng có thể sẽ trả đũa bằng hành động tương tự.

Trong vài ngày qua, những lời đe dọa mà Washington đưa ra dường như đã chuyển từ vũ khí hóa học sang cảnh báo về việc tấn công tỉnh Idlib. Đây chắc chắn sẽ là một nhân tố đáng chú ý trong các vòng đàm phán ở Tehran, dù cho khả năng Mỹ can thiệp vào Syria mà không có một tiền đề cụ thể vẫn là một dấu chấm hỏi.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/chien-truong-syria-va-cuoc-doi-thoai-ba-ben-tintuc414965