Chiến trường Thế chiến II thành tâm điểm mới của cạnh tranh Mỹ - Trung

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương, từng là chiến trường quan trọng trong Thế chiến II, đang trở thành tâm điểm trong bối cảnh Trung Quốc thách thức vị thế của Mỹ ở khu vực.

Palau, Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall, có lãnh thổ trải dài hàng nghìn km trên Thái Bình Dương, là các quốc gia được Washington, Tokyo và các đồng minh khác hậu thuẫn, tuy nhiên lại ít được biết đến.

Tình trạng leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gần đây làm thay đổi đáng kể vị thế của các quốc đảo, thậm chí hơn cả thời Chiến tranh Lạnh khi những nước này là tiền đồn và địa điểm thử bom nguyên tử.

Lấp đầy khoảng trống chiến lược

Những năm gần đây, Washington không còn chú ý đến các quốc gia này và khoản tài trợ dự kiến chấm dứt vào năm 2023, theo AFP.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra cơ hội thu hút đồng minh và tìm kiếm lợi thế chiến lược mới trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới có chuyến thăm đến Liên bang Micronesia vào tháng 8. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới có chuyến thăm đến Liên bang Micronesia vào tháng 8. Ảnh: AFP.

Chuyên gia chính trị Thái Bình Dương Tess Newton Cain, từ Đại học Quốc gia Australia, nhận định: "Việc Mỹ cắt giảm và chuyển hướng các khoản hỗ trợ phát triển tạo ra một khoảng trống mà Trung Quốc có thể lấp đầy, đặc biệt là trong việc giải quyết nhu cầu của các quốc đảo Thái Bình Dương liên quan đến cơ sở hạ tầng".

Washington và các đồng minh chỉ mới nhận ra thách thức nói trên, được thể hiện qua các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đến khu vực này.

"Giá trị chiến lược của ba quốc gia Bắc Thái Bình Dương đã được khôi phục trở lại do căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh", David Hanlon, giáo sư Đại học Hawaii, nói.

Nếu trước đây Thái Bình Dương được coi như "hồ nước của Mỹ", thì "việc Trung Quốc leo thang căng thẳng thương mại, đưa ra sáng kiến ngoại giao, tranh chấp lãnh thổ và có tham vọng bành trướng đã thách thức khái niệm này", ông Hanlon nhận định.

Cạnh tranh ảnh hưởng Thái Bình Dương

Giới quan sát cho rằng Mỹ có dấu hiệu muốn tái can dự vào khu vực. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tuyên bố bắt đầu đàm phán với ba quốc đảo để gia hạn khoản tài trợ của Mỹ, vốn dự kiến kết thúc vào năm 2023.

Ngoại trưởng Kono của Nhật Bản cho biết nước này cũng hỗ trợ hàng triệu USD cho Quần đảo Marshalls với tàu y tế, trung tâm quản lý thảm họa và hồ chứa nước mới.

Nhật Bản muốn "tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia trong khu vực vì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở", Ngoại trưởng Kono nói.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo được chào đón tại sân bay trong chuyến thăm đến Liên bang Micronesia hôm 5/8. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Pompeo đưa ra thông báo tài trợ cho các quốc đảo này chỉ hai tuần sau khi Trung Quốc gửi 2 triệu USD vào quỹ ủy thác của Liên bang Micronesia. Trước đó, Mỹ nhận định quỹ này không có khả năng duy trì ổn định tài chính của chính phủ Micronesia.

Palau, Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall đều ký kết với Washington Hiệp ước Liên kết Tự do. Thỏa thuận tài trợ theo hiệp ước này vốn được thiết lập để tận dụng một số quỹ tín thác, với mục đích khiến các quốc đảo không phụ thuộc vào nguồn tài trợ trực tiếp của Mỹ sau nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, ông Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không cho phép mở cửa thị trường tài chính cho Trung Quốc tại các đảo này."Chúng tôi muốn giúp các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển lâu dài trong nhiều thập kỷ và duy trì chủ quyền cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế", ông Pompeo nói.

Chung giá trị và tầm nhìn

Naoaki Kamoshida, trợ lý thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết việc Tokyo cam kết tăng viện trợ cho Thái Bình Dương phản ánh thực tế "khu vực này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết". Và Nhật Bản sẽ làm việc với bất kỳ quốc gia nào "cùng chia sẻ giá trị và tầm nhìn".

Ngoại trưởng Nhật Bản và Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. trong chuyến thăm của ông đến nước này hôm 8/8. Ảnh: Văn phòng tổng thống Palau.

Việc Mỹ tăng cường tài trợ "cho thấy căng thẳng ngoại giao đã trở thành đòn bẩy cho ba quốc gia Thái Bình Dương", Hanlon nói.

Chuyên gia Cain cho rằng điều hiển nhiên là với sự ủng hộ của các nước đồng minh chủ chốt, Washington muốn khẳng định lại vị thế với ba quốc đảo này.

"Một phần mục đích của những tuyên bố này là nhằm nhấn mạnh rằng Mỹ và Nhật Bản, cùng với Đài Loan, Australia và New Zealand, là những quốc gia dân chủ có chung nhiều giá trị quan trọng với các quốc gia Thái Bình Dương", bà nói.

Hương Ly

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chien-truong-the-chien-ii-thanh-tam-diem-moi-cua-canh-tranh-my-trung-post977700.html