Chiến xa BMP-3 Nga 'bất khả xâm phạm' khi tích hợp xong hệ thống phòng vệ Arena-E?

Hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Arena-E đã được Nga thử nghiệm thành công trên xe chiến đấu bộ binh BMP-3, mang lại niềm hy vọng về một loại khí tài 'bất khả chiến bại'.

BMP-3 của Nga trở thành phương tiện chiến đấu bộ binh đầu tiên trên thế giới được lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động, đó là tổ hợp APS Arena-E, khiến nó rất khó bị đánh bại trên chiến trường.

BMP-3 của Nga trở thành phương tiện chiến đấu bộ binh đầu tiên trên thế giới được lắp đặt hệ thống phòng vệ chủ động, đó là tổ hợp APS Arena-E, khiến nó rất khó bị đánh bại trên chiến trường.

Hệ thống Arena-E có trọng lượng chỉ 900 kg, khá nhẹ so với những tổ hợp APS khác, nó đủ khả năng đánh chặn tên lửa chống tăng có điều khiển và đạn rocket bắn đi từ nhiều loại súng phóng lựu cầm tay hạng nặng khác nhau.

Để làm được điều này, thiết bị đặc biệt đã được lắp đặt, bao gồm một trạm radar phát hiện đạn tấn công và các bộ phận bảo vệ gắn trên tháp pháo, sẽ bắn hạ đạn chống tăng thông qua "đám mây" mảnh đạn.

Do đó, cơ hội sống sót của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 trên chiến trường hiện đại sẽ tăng lên gấp nhiều lần, kể cả khi nó phải đối đầu xe tăng chủ lực hay binh lính của đối phương.

Bên cạnh hệ thống APS Arena-E, phiên bản nâng cấp của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cũng nhận được thêm lớp bảo vệ bên hông, được cho là có khả năng chịu được đạn xuyên cỡ 12,7 mm bắn từ cự ly gần.

Khả năng vận động linh hoạt của BMP-3 được đảm bảo bằng cách lắp đặt động cơ diesel tăng áp UTD-32 công suất 660 mã lực, cho phép chạy ở tốc độ lớn nhất 70 km/h trên đường bằng, bơi với vận tốc 10 km/h.

Một số tùy chọn bảo vệ khác cũng đã được phát triển cho xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Ví dụ, "đôi mắt đỏ" nổi tiếng đã được cài đặt, đây chính là đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc tổ hợp đối phó quang điện tử Shtora-1.

Chiếc đèn nhiễu này sẽ phát sóng có tác dụng làm gián đoạn tín hiệu hướng dẫn của vũ khí tên lửa dẫn đường, ngoài ra chúng còn can thiệp vào các hệ thống điều khiển hỏa lực có máy đo xa laser.

Giáp phản ứng nổ cũng được phát triển cho BMP-3 để bảo vệ xe khỏi đạn xuyên lõm. Điều thú vị là sau khi treo các khối nổ như vậy, phương tiện chiến đấu bộ binh vẫn có khả năng vượt qua chướng ngại nước.

Bên cạnh mức độ vững chắc của hệ thống phòng thủ được gia cường, thông qua tổ hợp APS, giáp thế hệ mới... sức mạnh tấn công của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cũng vô cùng đáng nể.

Vũ khí chính của BMP-3 là pháo nòng xoắn cỡ 100 mm 2A70, đi kèm với đó là pháo tự động 2A72 cỡ 30 mm và súng máy đồng trục PKT cỡ 7,62 mm, tạo ra hỏa lực gần bằng xe tăng chiến đấu chủ lực.

Yếu tố thay đổi cuộc chơi của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 chính là là tên lửa chống tăng dẫn đường 9M117 Bastion bắn qua nòng pháo, được cho là có khả năng xuyên giáp xe tăng của các nước NATO.

Tuy vậy việc mang theo cơ số lớn đạn pháo 100 mm và cả tên lửa sẽ làm tăng nguy cơ đối với binh sĩ trong trường hợp xe bị trúng đạn, bởi vỏ giáp của nó tương đối mỏng manh.

Do chi phí tốn kém, Nga cũng bị nhận xét là khó lòng trang bị hệ thống phòng vệ chủ động Arena-E cho mọi xe chiến đấu bộ binh BMP-3, Moskva chỉ có thể tích hợp lên một số lượng nhỏ mà thôi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chien-xa-bmp-3-nga-bat-kha-xam-pham-khi-tich-hop-xong-he-thong-phong-ve-arena-e-post531838.antd