Chiềng Đông nuôi trâu, bò nhốt chuồng

Những năm gần đây, phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều hộ đã đầu tư trồng cỏ, nuôi theo hướng tập trung, mở rộng quy mô, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của nông dân bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của nông dân bản Huổi Pù, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.

Năm 2016, ông Hoàng Văn Dình, bản Chai đầu tư hơn 20 triệu đồng xây dựng chuồng trại và trồng hơn 3.000m² cỏ voi để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông có 22 con trâu, bò thịt. Ông Dình cho biết: Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức; tham quan mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng để học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi mới mua trâu, bò về, tôi tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, tẩy giun, sán... Nhờ đó, đàn trâu, bò phát triển khỏe mạnh, trung bình 2-3 tháng được xuất bán một lứa. Trừ chi phí, mỗi năm, tôi thu lãi trên 200 triệu đồng.

Năm 2020, anh Quàng Văn Dương, bản Huổi Pù, đã học hỏi làm theo. Hiện, gia đình anh có 16 con bò vỗ béo; trồng gần 4.000m² cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Anh Dương cho biết: Hàng ngày, buổi sáng tôi cắt cỏ đủ cho bò ăn cả ngày, cho bò uống nước, dọn vệ sinh chuồng để đảm bảo thông thoáng và khô ráo. Phân bò được tận dụng để bón cho cỏ và bán tăng thêm thu nhập. Nhờ nuôi bò vỗ béo, gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay, xã Chiềng Đông có 1.223 con trâu, 1.993 con bò, 25 ha trồng cỏ, nhiều hộ duy trì nuôi từ 10 đến 30 con trâu, bò nhốt chuồng. Ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, cho biết: Mô hình nuôi bò nhốt chuồng phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là diện tích đất chăn thả ngày càng bị thu hẹp.

UBND xã đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các cuộc tập huấn về kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho bò, cách tạo nguồn thức ăn. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi các diện tích hoa màu kém hiệu quả hoặc đất dôi dư để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, bà con còn tận dụng ngọn mía, ngô sinh khối trồng trên đất ruộng để bổ sung nguồn thức ăn xanh và thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Để tạo điều kiện cho bà con mở rộng quy mô chăn nuôi, các đoàn thể của xã đang tiếp tục nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi để đầu tư nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Trần Sơn (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-dong-nuoi-trau-bo-nhot-chuong-54305