Chiều mưa biên giới

Có đến cửa khẩu Buprăng vào mùa mưa mới cảm nhận hết được nỗi trống trải, quạnh vắng mà các công chức Hải quan cửa khẩu Buprăng (Cục Hải quan Đắk Lắk) đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày ngày phải đối mặt. Suốt 6 tháng mùa mưa, thời gian như trôi chậm hơn, ngày thêm dài ra khiến nỗi nhớ nhà càng thêm da diết...

Công chức Hải quan cửa khẩu Buprăng kiểm tra phương tiện XNC. Ảnh: N.H

Vượt khó bám trụ địa bàn

Theo kế hoạch làm phim về các cửa khẩu Tây Nguyên nhân dịp 75 năm thành lập ngành Hải quan, chúng tôi tới Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng trong một chiều mưa tháng 7. Cơn mưa rào như nhấn chìm con đường từ quốc lộ 14 vào cửa khẩu trong làn nước trắng xóa. Anh lái xe của Cục Hải quan Đắk Lắk thận trọng dò dẫm trên đoạn đường đất đỏ sình lầy, cái gạt nước hoạt động hết công suất nhưng cảnh vật phía trước vẫn mịt mù. Dù đã có rất nhiều chuyến công tác chở cán bộ, lãnh đạo tới cửa khẩu Buprăng, nhưng lái xe vào những ngày mưa như thế này cũng vẫn là thử thách đối với anh. Bởi con đường 50 km vẫn còn nhiều đoạn là đường đất, nhiều đoạn thì đã hư hỏng, xuống cấp, mỗi khi mưa xuống, những ổ gà biến thành những vũng nước lớn choán gần hết mặt đường.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng nằm ở cuối cùng của con đường gian khổ ấy. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, những năm qua, các CBCC của đơn vị vẫn luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, quyết tâm bám trụ địa bàn. Kết quả công tác của chi cục là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi khi so sánh với điều kiện của đơn vị. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng Lã Văn Lập cho hay, hiện 100% DN tại đơn vị làm thủ tục qua mạng, nên khoảng cách địa lý không còn là vấn đề khó khăn đối với DN.

Đặc biệt, kể từ năm 2016, với việc triển khai chương trình “4 chỉ tiêu tăng trưởng”, “7 chỉ tiêu nghiệp vụ kiểm soát hải quan” theo nghị quyết của Đảng ủy Cục Hải quan Đắk Lắk, hướng tới khai thác mạnh mẽ tiềm năng XNK trên địa bàn, đóng góp của Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng vào kết quả chung của Cục Hải quan Đắk Lắk đã tăng lên đáng kể. Theo đó, kim ngạch XNK từ chỗ chỉ có vào trăm ngàn USD mỗi năm đã tăng lên trên 300 triệu USD; số thu ngân sách cũng tăng từ mức trên dưới 1 tỷ đồng lên mức 150-200 tỷ đồng/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng chính sách tạm đóng các cửa khẩu của Campuchia, số thu của đơn vị vẫn đạt được 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù nằm ở vị trí xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng với nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN, đơn vị vẫn thu hút được 40 DN về làm thủ tục, trong đó có 23 DN làm thủ tục thường xuyên, tăng gấp đôi với giai đoạn 5 năm về trước.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, hoàn thành tốt vai trò của người lính gác cửa kinh tế của đất nước. Ngoài ra, do đặc thù địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tiềm ẩn nhiều bất ổn về chính trị, nên bên cạnh công tác nghiệp vụ về hải quan, đơn vị còn phối hợp thực hiện nhiệm vụ vận động quần chúng bằng nhiều hình thức khác nhau, qua đó tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh chính trị tại địa bàn biên giới.

Mưa buồn biên giới

Những ngày này, Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa mưa. Những cơn mưa mang nước về đầy ắp các con sông con suối của Tây Nguyên, các dòng thác cũng nhờ đó mà gầm vang, tung bọt trắng xóa. Cảnh sắc, cây cối cũng khoác lên mình màu xanh tươi tốt. Chính vì vậy, mùa mưa luôn là mùa du lịch không thể bỏ lỡ tại mảnh đất Tây Nguyên. Thế nhưng, với những công chức Hải quan ngày đêm bám trụ tại các cửa khẩu Tây Nguyên, mùa mưa lại là mùa nhớ nhà quay quắt. Bởi vào mùa mưa, hàng hóa qua lại cửa khẩu rất thưa thớt.

Anh Nguyễn Thanh Huấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng chia sẻ, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông cũng như tỉnh tiếp giáp của Campuchia là Mondulkiri đều chưa phát triển, nên hoạt động giao thương không nhiều. Cơ cấu mặt hàng làm thủ tục tại đơn vị khá đơn giản, chủ yếu là oxit nhôm, hydroxit nhôm, gỗ nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ dự án đầu tư, hàng nông sản và hàng hóa tiêu dùng của cư dân biên giới. Trong đó, từ đầu năm đến nay, mặt hàng gỗ nguyên liệu gần như không phát sinh do chính sách đóng cửa rừng của Campuchia. Mùa mưa cũng không phải mùa thu hoạch nông sản, nên hoạt động XNK mặt hàng này vào mùa mưa hầu như không có. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch XNK các mặt hàng khác cũng đều giảm sút. Do đó, mùa mưa năm nay tại Buprăng sẽ còn buồn hơn những năm trước.

Anh Huấn cho biết thêm: “Làm việc ở cửa khẩu cách xa trung tâm tới 50km, xa gia đình, nên ngoài công việc chuyên môn nghiệp vụ chính, anh em còn phải tự nấu nướng, trồng rau, chăn nuôi…, vừa đỡ nhớ nhà, lại giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày”. Nói rồi anh Huấn dắt chúng tôi đi tham quan vườn rau xanh mướt với đủ loại cải xanh, cải ngọt, rau ngót, mướp hương… Gần đó còn có chuồng gà, ao cá… “Tiếc là đợt vừa rồi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, cuốn bay đàn heo hàng chục con của chi cục, nên giờ muốn ăn thịt heo, anh em phải đi chợ cách đây mấy cây số” – anh Huấn nói.

Quả thực, xung quanh khu vực cửa khẩu không có nhà dân, chỉ có đồn Biên phòng cửa khẩu Buprăng là “hàng xóm” duy nhất. Nghĩ tới đây, tôi chợt thấy một nỗi trống vắng mênh mang bao trùm lên những CBCC nơi đây, hệt như hình ảnh khu nhà trụ sở của chi cục nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi.

Trong bữa cơm chiều “cây nhà lá vườn” do chính tay các CBCC của chi cục trổ tài, chúng tôi còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ cũng “cây nhà lá vườn” với nhạc cụ là cây đàn ghi ta và chiếc trống cajon. Anh Nguyễn Ngọc Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Buprăng vừa cười vừa nói: “Vào mùa mưa, tối đến anh em chỉ có món này để giải trí. Nếu không, chỉ có cách… đi ngủ sớm”.

Dứt lời, tiếng nhạc bắt đầu cất lên hòa cùng lời hát của các anh. Càng về khuya, mưa càng nặng hạt, trời càng lạnh hơn, nhưng ở chi cục, chúng tôi cảm nhận sự ấm cúng bao trùm khắp không gian. Và với chúng tôi, những món “cây nhà lá vườn” này thực sự là đặc sản mà khó ở nơi nào có được.

Chúng tôi chia tay cửa khẩu Buprăng khi trời vừa hửng nắng. “Khách đi, chủ lại buồn rồi” – lời của anh Huấn khiến bước chân chúng tôi không nỡ rời đi. Trên suốt con đường xanh mướt dẫn ra khỏi chi cục, giai điệu của bài hát Chiều biên giới như văng vẳng bên tai: “Đời chiến sĩ tháng năm vơi đầy niềm vui nỗi nhớ. Cùng gắn bó với quê hương miền biên giới. Dù gian khó vững chân đêm ngày đường tuần tra. Và tiếng hát thiết tha yêu đời vẫn luôn theo cùng bập bùng ghita”.

Mong rằng các CBCC Hải quan nơi đây sẽ luôn giữ trong tim niềm yêu đời, yêu nghề để gắn bó với biên cương khắc nghiệt này. Và mong rằng ở tương lai không xa, hoạt động giao thương qua địa bàn sẽ sôi động hơn, để Buprăng ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự giàu mạnh của tỉnh Đắk Nông nói riêng cũng như địa bàn Tây Nguyên nói chung.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chieu-mua-bien-gioi-132670-132670.html