Chiều thu ấy - ca khúc 'bước đệm' dẫn đến thành công của cố nghệ sĩ Lam Phương

Trong khoảng 200 tác phẩm của Lam Phương, 'Chiều thu ấy' là ca khúc cố nghệ sĩ từng nói sẽ suốt đời không quên, bởi đây chính là sáng tác 'bước đệm' cho thành công trong sự nghiệp âm nhạc của ông.

Nhạc sĩ Lam Phương có hàng loạt ca khúc ghi dấu ấn nổi bật trong lòng khán giả như Duyên kiếp, Biển tình, Kiếp nghèo, Thành phố buồn, Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương... trong đó, một ca khúc mà cố nghệ sĩ từng nói sẽ suốt đời không quên, đó là Chiều thu ấy.

Nói về ca khúc “Chiều Thu Ấy”, cố nghệ sĩ Lam Phương từng cho biết, ông coi nó như một hợp âm kỷ niệm suốt đời không thể nào quên. Bài Chiều thu ấy, cũng là ca khúc đầu tay của ông, viết vào năm 15 tuổi. Khi ấy ông phải vay tiền của bạn bè để mướn nhà in in nhạc, rồi thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn.

Thời điểm ca khúc này ra đời, ít ai có thể tượng tượng một cậu bé 15 tuổi, độ tuổi còn đầy mộng mơ, hồn nhiên và rất con trẻ lại có thể khắc khoải và nặng nợ với duyên phận tình yêu đến vậy.

Chiều thu ấy được cố nghệ sĩ viết khi đó không chỉ thể hiện sự chững chạc trong âm nhạc mà còn được ví như một tình khúc với lời ca khúc chiết, đầy suy tư.

Bài hát rất nhanh sau đó đã được những ca sĩ nổi tiếng bậc nhất hồi đó lựa chọn để biểu diễn như Bích Thủy, Túy Hồng. Từ chính khoảnh khắc ấy, chàng trai 15 tuổi đã có một quyết định mà sau này khi nhắc đến, ông vẫn luôn nói đó là sự liều lĩnh nhất trong cuộc đời thanh niên đó là vay mượn bạn bè khắp nơi được 600 đồng (vào thời gian đó số tiền này rất lớn) để tự in bản nhạc rồi thuê xe lam chở đi giao ở các quầy hàng bán lẻ khắp Sài Gòn.

Lần đầu có chút thất bại, nhưng ông vẫn không từ bỏ mà quyết giữ đam mê với âm nhạc.

Sau đó, đến năm 1954, ông đã thành công nổi danh với hai bài Kiếp nghèo và Chuyến đò vĩ tuyến. Từ khi thành công, ông đã tích cực cho ra những bài hát mà cho đến nay vẫn được người hâm mộ nhắc đến như những ca khúc “vượt thời gian”. Tuy nhiên, để có được những thành công nở rộ ấy, ông không bao giờ không nhắc tới bước đệm cho niềm đam mê âm nhạc của mình là Chiều thu ấy.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật của mình là Lâm và Phùng với ý nghĩa "hướng về phương trời màu xanh hy vọng".

Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc miền Nam Việt Nam với khoảng 200 tác phẩm. Những nhạc phẩm của Lam Phương được yêu thích cả trong nước và hải ngoại. Nhiều ca sĩ trẻ đã chọn nhạc Lam Phương để thử sức và phát hành CD riêng.

Tại Việt Nam, đã có nhiều ca sĩ chọn phát hành Album nhạc Lam Phương như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/chieu-thu-ay-ca-khuc-buoc-dem-dan-den-thanh-cong-cua-co-nghe-si-lam-phuong-RziTrObMR.html