Chiêu trò cà phê tươi: Thiệt nhất là người tiêu dùng

Một số hãng sản xuất cà phê đang tự phong cho sản phẩm của mình danh hiệu 'cà phê tươi' nhưng thực chất đó chỉ là chiêu trò quảng cáo.

"Không phải cứ có tiền nói gì cũng được"

Ngày 16/10/2018, chia sẻ với Đất Việt về câu chuyện "cà phê tươi" trong các sản phẩm cà phê hòa tan trên thị trường Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ sự bức xúc.

Bà Lan cho rằng, trong khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thế nào được gọi là "cà phê tươi" nhưng nhiều hãng sản xuất đã tự công bố sản phẩm của mình là cà phê tươi để đánh vào cảm xúc người tiêu dùng, định hướng hành vi sử dụng.

"Trong những trường hợp như thế này thì doanh nghiệp được lợi, cơ quan quản lý gặp khó vì chưa có đủ tiêu chuẩn để căn cứ xác định vi phạm, xử phạt. Còn thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng khi tưởng rằng mình đang sử dụng cà phê tươi nhưng thực chất không phải là cà phê tươi" - bà Lan bày tỏ.

Sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi mà Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood mới tung ra thị trường khiến người tiêu dùng có nhiều tranh luận.

Theo vị Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian chờ đợi có bộ tiêu chuẩn công nhận cà phê tươi được ra đời thì cơ quan quản lý quảng cáo, truyền thông cần vào cuộc, tăng cường quản lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Bà Lan nói: "Những sản phẩm kiểu mập mờ thông tin có liên quan đến cà phê tươi cần được quản lý, tốt nhất là không nên cấp phép quảng cáo trong thời gian chờ đợi có bộ tiêu chuẩn chính thức".

Về phía các doanh nghiệp sản xuất cà phê, bà Lan cho rằng không phải những đơn vị này có có tiền, có sản phẩm là muốn quảng cáo gì cũng được. "Quan trọng nhất vẫn là chất lượng sản phẩm và thái độ tôn trọng người tiêu dùng" - bà Lan nhận định.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những lựa chọn của mình để có quyết định sáng suốt. Nên chú ý tới các thành phần của sản phẩm hơn là những lời quảng cáo đường mật, tên sản phẩm vui tai.

Sau tên gọi là gì?

Một trong những sản phẩm cà phê đang được người tiêu dùng chú ý là NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood.

Đây là sản phẩm đầu tay của doanh nghiệp này khi quyết tâm lấn sân từ lĩnh vực sữa sang thị trường cà phê.

Khi vừa ra mắt vào cuối tháng 8/2018, sản phẩm NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi được người tiêu dùng chú ý bởi chữa "Tươi" trên sản phẩm, họ hiểu rằng đây là một sản phẩm tươi, nguyên chất từ hạt cà phê.

Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với Đất Việt, đại diện truyền thông của Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood khẳng định, NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi chỉ là "cà phê hòa tan" như bao sản phẩm khác đang có trên thị trường, còn chữ "Tươi" chỉ là tên riêng sản phẩm, đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền công nhận, cấp phép.

Thành phần dinh dưỡng trong 1 gói NutiCafé Cà Phê Sữa Đá Tươi 24 gram, có 14% là cà phê hòa tan, 0,5% là cà phê rang xay nhuyễn và còn lại là bột kem thực vật, chất tạo màu, chất tạo ngọt ổn định, chất nhũ hóa…

Một điểm đáng chú ý trong thành phần dinh dưỡng của gói cà phê 24 gram, nhà sản xuất sử dụng hương cà phê giống tự nhiên.

Nói về câu chuyện cà phê tươi với Đất Việt, chuyên gia quản trị chất lượng Vũ Thế Thành cũng không biết cụm từ "cà phê tươi" nghĩa là gì.

"Cà phê tươi hay héo nói chung không cần quy chuẩn riêng, chỉ cần tuân thủ quy chuẩn chung về cà phê là đủ. Tương tự như cà phê "nguyên chất", tôi cũng không hiểu ý nghĩa của nó. Vấn đề là phải minh bạch, trộn thứ gì vào cà phê thì phải khai báo, có an toàn cho người tiêu dùng không?

Uống cà phê là phong cách của mỗi người. Đừng nghĩ rằng, chỉ cà phê "nguyên chất" mà mình uống mới là điệu nghệ, và phê phán, dè bỉu người khác. Chỉ là chiêu trò kinh doanh và "cà phê tươi" cũng nằm trong kiểu marketing đó thôi" - chuyên gia Vũ Thế Thành bày tỏ.

>>Quảng cáo cà phê tươi đánh lừa người dùng thế nào?

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/chieu-tro-ca-phe-tuoi-thiet-nhat-la-nguoi-tieu-dung-3367530/