Chiêu trò thiếu lành mạnh của một số gameshow

Sự nở rộ hàng loạt chương trình giải trí trên truyền hình khai thác đề tài về cộng đồng LGBT thời gian qua thu hút sự quan tâm của không ít khán giả. Tuy nhiên, đã có sự lo ngại rằng cách thức khai thác đề tài này ở một số chương trình đang có xu hướng sử dụng chiêu trò giật gân, câu khách, phản cảm, thiếu ý nghĩa xã hội tích cực… nên kịp thời điều chỉnh.

Bình luận - Phê Phán

Sau "cơn sốt" hài kịch, bolero, các cuộc thi tài ca hát, chương trình hẹn hò, trò chơi dành cho trẻ em... đến nay có thể thấy sức hút của nhiều gameshow (chương trình giải trí trên truyền hình) đang dần suy giảm vì sự nhàm chán về nội dung, cũng như đơn điệu về hình thức thể hiện. Việc cùng thời điểm bắt gặp nhiều kênh truyền hình với những chương trình mô-típ na ná nhau, một số nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ hài, tần suất lên sóng quá dày đặc với nhiều chiêu trò cũ rích khiến người xem càng thêm mệt mỏi. Gần đây, để giữ chân khán giả, nhiều nhà sản xuất chương trình giải trí buộc phải đi tìm "nhân tố mới". Và dường như hiện nay, đề tài về cộng đồng LGBT (Lesbian - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual - song tính, Transgender - chuyển giới) đang được coi là đề tài độc, lạ thu hút nhiều nhà sản xuất. Bên việc mời một số cá nhân thuộc cộng đồng LGBT tham gia những gameshow vốn đã quen thuộc với khán giả như Thử thách danh hài, Bạn muốn hẹn hò, Yêu là cưới, Giọng hát Việt,... nhiều gameshow mới dành riêng cho cộng đồng LGBT đã chính thức phát sóng, mà nổi lên trong đó có các gameshow: Come out - Bước ra ánh sáng, Just love, The Tiffany’s Vietnam - Chinh phục hoàn hảo, Người ấy là ai... Ðáng chú ý là trong các chương trình này, không chỉ người chơi, mà cả người dẫn chương trình, khách mời, thành viên ban giám khảo,... phần lớn đều là người đồng tính, chuyển giới. Qua theo dõi các chương trình, rất dễ nhận thấy các nhà sản xuất khai thác đề tài LGBT theo hai hướng: tập trung vào khai thác các câu chuyện đời tư éo le của người đồng tính, song tính, chuyển giới; hoặc tổ chức các cuộc thi mà người đồng tính, song tính, chuyển giới tham gia với tư cách người chơi chính. Mục đích chính là đánh vào sự tò mò, chú ý để thu hút người xem.

Trên thực tế, việc nhiều nhà sản xuất đổ xô đi làm gameshow có sự tham gia của người chơi thuộc "giới tính thứ ba" gần như đã được "dự báo" từ trước. Bằng chứng là rải rác trong nhiều gameshow hài kịch, thi tài ca hát, hẹn hò... phát sóng thời gian qua đều có sự xuất hiện của người chơi đồng tính, chuyển giới. Ðể tạo sự chú ý, các phóng sự về nhân vật thuộc cộng đồng LGBT thường là những chuyện đời éo le, trắc trở, khán giả thay vì quan tâm đến tài năng của người chơi khi tham gia gameshow thì lại chỉ chú ý đến đời tư của họ. Tại không ít gameshow, vấn đề giới tính bỗng trở thành "tấm vé may mắn" cho người chơi khi tham gia, nhưng đồng thời cũng đưa tới cảm giác khó chịu cho không ít người xem vì dường như có biểu hiện quá đà, thậm chí lộ liễu qua sự "ưu ái" lạm dụng của chương trình dành cho người đồng tính, chuyển giới. Chưa kể, tại một số chương trình, mà phổ biến là hài kịch, một số nghệ sĩ cũng như người chơi thường xuyên có các màn giả gái với kiểu trang điểm nữ tính, ăn mặc lòe loẹt, kệch cỡm, cử chỉ õng ẹo, giọng nói không ra nam cũng không ra nữ để chọc cười khán giả một cách hời hợt, nhảm nhí. Ðiều đó không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết của người làm chương trình về cộng đồng LGBT, mà phần nào còn vô tình hoặc cố ý xúc phạm, miệt thị cộng đồng LGBT. Ðã có chương trình bị cộng đồng LGBT tẩy chay, hoặc kiện nhà sản xuất vì trong chương trình có phát ngôn không đúng mực. Tuy vậy, ở một góc độ nhất định, sự xuất hiện của người chơi thuộc "giới tính thứ ba" trong các gameshow cũng đã phần nào giúp chương trình tăng sức hấp dẫn với người xem cũng như giúp công chúng có cái nhìn rõ hơn về cộng đồng LGBT, để từ đó có sự cảm thông, chia sẻ và đánh giá đúng đắn hơn. Ðến nay, nếu nói về người đồng tính, song tính, chuyển giới tham gia gameshow tạo hiệu ứng truyền thông có hiệu quả nhất định, có lẽ phải kể tới ca sĩ H.G. Tuy giọng hát không thật sự đặc sắc, nhưng chính câu chuyện đặc biệt của cô đã khiến nhiều khán giả quan tâm, dành cho cô sự yêu mến. Vì vậy H.G đã trụ đến vòng cuối một cuộc thi âm nhạc chính nhờ lá phiếu bình chọn của khán giả. Trở về từ cuộc thi, được công chúng biết đến, cô ca sĩ chuyển giới này tự tin hơn trong các hoạt động nghệ thuật, gặt hái được nhiều thành công, được coi như người truyền cảm hứng tới cộng đồng LGBT và thu hút được sự chú ý của công chúng. Ðiều khiến nhiều người lo ngại đó là liệu trong cuộc chạy đua mới của thị trường giải trí, cộng đồng LGBT có bị khai thác như một "mồi câu" với khán giả, phục vụ mục đích tất cả vì lợi nhuận của nhà sản xuất?

Không thể phủ nhận rằng một thời gian khá dài, trong xã hội vẫn tồn tại sự nhìn nhận thiếu thiện cảm, tiêu cực về cộng đồng LGBT, thậm chí có người coi đó như là một "căn bệnh xã hội" của những người có lối sống lệch lạc. Ngay cả ở các gia đình có con cái thuộc "giới tính thứ ba", nhiều bậc cha mẹ cũng không dễ dàng đón nhận sự thật này mà thay vào đó, họ bắt con phải "giống như người khác", dẫn đến người đồng tính, song tính phải chịu đựng cuộc sống bị kỳ thị, hoặc phải cố che giấu con người thật của mình, âm thầm chịu đựng đau khổ, bất hạnh để làm vừa lòng người thân và xã hội. Các năm gần đây, nhờ công tác truyền thông, cộng đồng LGBT đã được nhìn nhận đúng đắn hơn và từng bước có được sự tự tin, đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội. Ðáng chú ý, ngày 26-9-2015, 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chống lại việc phân biệt đối xử và bạo lực để bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới. Những năm qua, hưởng hứng "Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới" do Liên hợp quốc phát động, vào ngày 17-5 hằng năm ở nước ta không chỉ cộng đồng LGBT mà nhiều tổ chức, cá nhân đã có một số hoạt động thiết thực để giúp người đồng tính, song tính và chuyển giới tự tin hòa nhập với cộng đồng, được sống thật với giới tính của mình. Cùng với chuyển biến tích cực trong nhận thức của xã hội, sự xuất hiện nhiều diễn đàn, tác phẩm nghệ thuật, chương trình thực tế về cộng đồng LGBT dần dà trở thành chuyện bình thường mang ý nghĩa xã hội lành mạnh.

Tuy nhiên, với tần suất các gameshow về cộng đồng LGBT khá dày gần đây trên sóng truyền hình, mà ở đó câu chuyện đời tư chủ yếu khai thác theo kiểu "lấy nước mắt" của khán giả, đôi lúc có phần cường điệu, thái quá hoặc khai thác đề tài tình yêu của người đồng tính theo lối tự nhiên chủ nghĩa, phản cảm lại đang đặt ra những vấn đề cần được lưu tâm. Có nghệ sĩ không giấu nổi âu lo khi lâu nay người đồng tính và chuyển giới thường vẫn chưa được nhìn nhận một cách tích cực, giờ với sự xuất hiện của nhiều gameshow vì yếu tố lợi nhuận, muốn tăng số người xem (rating) dẫn đến việc khai thác theo kiểu gây tò mò về sự khác biệt có thể phản tác dụng, dễ biến cộng đồng LGBT thành nạn nhân của truyền hình thực tế. Thực trạng đó đã khiến cho một ca sĩ chuyển giới thẳng thắn bày tỏ: "Tôi nghĩ rằng, nếu gameshow nào cố ý lấy những người trong cộng đồng LGBT ra làm "con mồi" để câu kéo khán giả thì những người trong cộng đồng LGBT nên tẩy chay. Gameshow nào chỉ vì yếu tố thương mại mà đưa người LGBT vào thì sẽ bị đào thải theo quy luật". Bên cạnh đó về mặt luật pháp, đời tư của mọi cá nhân đều cần được tôn trọng và bảo vệ. Trong hoạt động giải trí, chúng ta đã từng chứng kiến những bài học đau đớn, cũng như những hệ lụy khó lường từ việc khai thác đời tư của nghệ sĩ, người chơi để câu like, view (lượt yêu thích, lượt xem) của nhiều chương trình giải trí. Ðã không ít nghệ sĩ trở thành nạn nhân của trò chơi trên truyền hình, khi sự nghiệp cũng như cuộc sống riêng tư của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có nghệ sĩ buộc phải kiện nhà sản xuất ra tòa vì đã phát trên màn hình những lời xúc phạm vô lối, vô căn cứ, ảnh hưởng tới danh dự của mình…

Đã đến lúc các gameshow khai thác đề tài từ cộng đồng LGBT cần chấm dứt tình trạng khai thác đời tư của người chơi như yếu tố để "câu khách". Chương trình sẽ chỉ được đón nhận khi được tổ chức theo hướng nhân văn, giúp xã hội hiểu biết, đánh giá chân thực hơn về cộng đồng LGBT, từ đó có tác động tích cực để công chúng có sự cảm thông, chia sẻ với các khó khăn mà người đồng tính, song tính, chuyển giới phải trải qua, giúp họ tự tin thể hiện khả năng, hòa nhập và có đóng góp cho xã hội. Chưa kể, với nhu cầu văn hóa - nghệ thuật, sau giờ làm việc căng thẳng, khán giả tìm đến những chương trình giải trí không chỉ mong muốn được thư giãn, xả stress, mà trong chừng mực nhất định còn là để thỏa mãn yêu cầu về giá trị chân - thiện - mỹ của chương trình, tăng cường sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, từ đó làm phong phú thêm đời sống tinh thần cá nhân. Vì thế, việc một số gameshow sử dụng chiêu trò phản cảm, khai thác đời tư của người chơi, của nghệ sĩ một cách quá mức để thu hút khán giả như thời gian qua sẽ không chỉ khó giữ được khán giả, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt tinh thần xã hội. Sự sụt giảm người xem của nhiều gameshow gần đây là minh chứng cụ thể cho hậu quả từ tình trạng cần phê phán này. Dù thông cảm với nhà sản xuất gameshow trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, cũng không thể chấp nhận việc sử dụng chiêu trò thiếu lành mạnh, phản nhân văn, tác động xấu đến xã hội.

SONG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38331202-chieu-tro-thieu-lanh-manh-cua-mot-so-gameshow.html