Chile tính sổ thời Pinochet

Những người chống đối đã khoác lên người Pinochet một chiếc áo có in ảnh những nạn nhân bị ông ta sát hại

(CATP) Quan tòa Victor Montiglio ở Chile, hôm 1-9, đã phát lệnh bắt giữ 129 cựu nhân viên an ninh bị truy tố vì có liên quan tới việc mất tích của những người cánh tả và việc sát hại những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Chile dưới thời nhà độc tài Pinochet. Đây là lần bắt giam đông nhất trong cuộc điều tra tội vi phạm nhân quyền có liên quan tới cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” do tướng Augusto Pinochet tiến hành đàn áp các lực lượng chống đối trong thời ông ta cầm quyền (1973-1990). Hồi năm 2007, cũng chính thẩm phán Montiglio đã ra lệnh bắt giam 74 cựu nhân viên an ninh với tội danh tương tự. Hôm 1-9, ông Montiglio nhấn mạnh: “Chúng tôi đang điều tra tất cả những ai từng tham gia việc tước mất quyền tự do của các nạn nhân”. Về tiến trình cuộc điều tra, ông cho biết “đang rất gần tới đích”. Quá trình điều tra bắt đầu hồi năm 1998 và ông Montiglio đảm trách từ năm 2006 cho tới nay. Số bị cáo này từng là cảnh sát và quân cảnh làm việc cho Cục Điều tra Quốc gia (DINA) của Chile. Hồi thập niên 1970, các chế độ cầm quyền quân sự ở Chile và những nước Nam Mỹ khác (Argentina, Bolivia, Brazil, Paraguay và Uruguay) đã phối hợp tiến hành Chiến dịch Condor để dùng bạo lực loại bỏ các phong trào cánh tả, và hàng trăm nhân vật chống đối đã “mất tích”. Năm 1975, DINA đã thực hiện Chiến dịch Colombo gây ra sự “biến mất” của 119 nhân vật cánh tả. Trong vụ án Conferencia Street từ ngày 30-4 tới 6-5-1976, lực lượng an ninh Chile đã giết chết 10 nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Chile. Tướng Pinochet đã đứng đầu một bộ máy cầm quyền quân sự sau khi làm đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử theo khuynh hướng Marxist Salvador Allende năm 1973. Trong suốt những năm cầm quyền, ông ta đã tiến hành những chiến dịch tàn khốc để trốc tận gốc các đối thủ cánh tả. Một báo cáo chính thức cho biết có 3.197 người cánh tả đã bị sát hại vì những lý do chính trị. Nhiều người đã “biến mất”, mà người ta hồ nghi rằng đã bị DINA bắt cóc, giết chết rồi vùi chôn ở một nơi nào đó, cho tới nay thân nhân cũng chưa biết số phận họ ra sao. Đã có nhiều nỗ lực ở Chile và nước ngoài nhằm đưa Pinochet ra xét xử về tội vi phạm nhân quyền, nhưng đều không thành công. Ông ta chết hồi tháng 12-2006 ở tuổi 91 tại một bệnh viện quân sự ở Santiago. Hai tuần trước khi chết, Pinochet đã nhận trách nhiệm về các hành động dưới thời mình cầm quyền, nhưng ông ta không bao giờ xin lỗi về những gì mình đã gây ra. Mục đích chính của các cuộc điều tra và xét xử như thế này chỉ nhằm đem lại công lý cho các nạn nhân và làm bài học cho tất cả để không tái diễn ở bất cứ nơi nào trên hành tinh.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=33268&mod=detnews&p=