'Chim ăn thịt' F-22 đấu 'rồng lửa' S-300: Người thắng làm vua, kẻ thua 'mất trắng'?

Quyết định phô diễn sức mạnh vũ khí trong một cuộc chiến thực sự là con dao hai lưỡi. Nếu F-22 thảm bại, danh tiếng về vũ khí nước Mỹ tốt nhất thế giới sẽ bị thiệt hại rất lớn.

“Chim ăn thịt” đối đầu “rồng lửa”

Việc Nga cung cấp S-300 cho Syria khiến truyền thông Mỹ kêu gọi Không quân Mỹ cần phải triển khai thêm các chiến đấu cơ tàng hình F-22 để vượt qua hệ thống phòng không tiên tiến này. Trong diễn biến mới nhất, Washington cũng cam kết sẽ cung cấp cho Israel thêm nhiều tiêm kích tàng hình F-35 hơn nữa nhằm đáp trả lại bước đi của Moscow.

Nhưng, câu hỏi đang đặt ra là liệu các máy bay thế hệ thứ 5 hiện đại của Mỹ có thể qua mặt được hệ thống phòng không của Nga hay không? Các nhà phân tích cho rằng, rất có khả năng là không. Mới đây, tờ The Drive cho rằng, Mỹ "có thể phải quay trở lại chiến thuật năm xưa" sau khi Nga giao hàng hệ thống phòng không cho Syria.

Tạp chí này gợi ý về việc Lầu Năm Góc có thể sử dụng F-22 Raptor (“chim ăn thịt”) và F-16CJ Vipers để ngăn chặn hoặc phá hủy phòng không của Syria, giống như chiến dịch không kích ban đầu mà Mỹ thực hiện ở Syria và Iraq vào năm 2014.

Tiêm kích F22.

Nói với Sputnik, các nhà quan sát quốc phòng nhận định, không quân Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng cơ hội này để thử sức thêm S-300 bằng cách sử dụng chiếc F-22, mẫu chiến đấu cơ được chế tạo đặc biệt để ngăn chặn và phá hủy các hệ thống phòng không công nghệ cao. “Tuy nhiên, Mỹ không nhất thiết phải thực hiện cách ấy, dù cho họ có quyền tự do làm điều đó”, Giáo sư Sergei Sudakov từ học viện Khoa học quân sự Nga cho biết.

"Chiến lược sử dụng Raptors của Mỹ nhằm chống lại mạng lưới phòng không Syria sẽ trông giống như thế này: Một hoặc vài chiếc F-22 xâm nhập vào vùng bao phủ radar của đối phương, bật hệ thống triệt tiêu điện tử và bắt đầu gây nhiễu hệ thống phát hiện máy bay địch. Cùng lúc đó, các máy bay sẽ tấn công vào radar, xe phóng và các đơn vị chỉ huy”, học giả này mô tả.

"Sau khi tạo được sự đột phá, đợt dàn quân thứ hai bằng oanh tạc cơ được triển khai để làm công việc còn lại là đánh tan lực lượng kẻ thù. Bị tê liệt bởi đòn chí mạng từ máy bay tàng hình trước đó, hệ thống phòng không của đối phương đã hoàn toàn vô dụng", Sudakov lưu ý.

Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản về mặt lý thuyết. Theo các chuyên gia quân sự, ngay cả khi các radar mặt đất không nhìn thấy F-22, chiếc máy bay này vẫn sẽ hiện diện cho đến khi nào nó bật hệ thống triệt tiêu điện tử. Ngay từ thời điểm đó, các hệ thống điều khiển trên mặt đất đã có thể bắt được nguồn bức xạ từ máy bay này và xác định vị trí để tên lửa phòng không đuổi theo.

Trong kịch bản trên, điều duy nhất mà một phi công Raptor có thể làm để có được sự an toàn tối đa là phải xác định vùng hoạt động chính xác nhất của hệ thống phòng không địch. Tuy nhiên, S-300 là một hệ thống phòng không cơ động, có thể nhanh chóng di chuyển và triển khai ở một vị trí mới trong thời gian mau chóng. Với ưu thế đó, không có chiếc máy bay nào có thể được coi là tàng hình hoàn toàn.

"Thực tế, tín hiệu radar của F-22 rất nhỏ", nhà báo quân sự Mikhail Khodaryonok, một cựu chiến binh 29 năm của lực lượng phòng không Liên Xô và Nga, thừa nhận. "Để nói rằng, chiếc máy bay này vô hình đối với các hệ thống radar S-300 là quá cường điệu. Trong băng tần S, nó gần như không thể nhìn thấy. Nhưng trong tần số băng tần VHF, Raptor có thể được nhìn thấy rõ ràng", vị Đại tá nghỉ hưu nhấn mạnh.

Theo Khodaryonok, những thảo luận của giới truyền thông Mỹ về việc loại bỏ S-300 chỉ là "vô nghĩa" vào thời điểm này. "Hiện tại, đang có một cuộc chiến ngôn từ diễn ra. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng cả Israel và Mỹ sẽ không tấn công S-300 trong lúc các chuyên gia Nga đang làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng Syria. Tuy nhiên, họ rất có thể sẽ cố gắng tiêu diệt hệ thống ngay khi được giao xong xuôi cho quân đội Syria", ông nêu quan điểm.

Cuộc chiến ngôn từ

Theo Khodaryonok, mức độ huấn luyện của lực lượng Syria vẫn chưa đủ để họ xây dựng hệ thống phòng không chuyên sâu và có hiệu quả trên khắp cả nước như ở căn cứ không quân Hmeymim. Điều này có nghĩa rằng Nga đang đánh cược uy tín về vũ khí của mình nếu các cường quốc phương Tây hoặc Israel tấn công và đánh bại hệ thống S-300 của Syria.

Để ngăn chặn viễn cảnh như vậy, ngoài S-300, bộ Quốc phòng Nga đã cung cấp cho Damascus hệ thống nhận dạng địch/ta độc đáo của Nga, đồng thời cam kết sử dụng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa định vị vệ tinh, radar trên không và các hệ thống liên lạc chiến đấu của bất kỳ máy bay nào cố gắng tấn công các mục tiêu trong nước.

Theo Giáo sư Sergei Sudakov, tình hình ở Syria từ lâu đã trở thành "một cuộc chiến tranh ngôn từ bằng những lời đe dọa khủng khiếp", tất cả đều là để Washington tuyên bố rằng sức mạnh của mình trên cơ Nga trong thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra. "Rõ ràng là chính quyền hiện tại muốn khoe với cử tri về sức mạnh vượt qua người Nga. Nhưng họ sẽ không làm điều gì vượt quá lời nói. Và nếu có, thì việc một chiếc Raptor bị bắn hạ sẽ là rủi ro quá lớn khi làm rung chuyển niềm tin của cử tri và ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử", ông Sudakov đánh giá.

Cuối cùng, quan sát viên quân sự của Sputnik Andrei Kotz nhấn mạnh, Lầu Năm Góc sẽ cần phải suy nghĩ không phải là 2 lần mà là 10 lần, "trước khi ném những chiếc máy bay tốt nhất của mình vào họng súng của các hệ thống phòng không như S-300”. Quyết định phô diễn sức mạnh vũ khí trong một cuộc chiến thực sự là con dao hai lưỡi. Nếu F-22 thảm bại, danh tiếng về vũ khí nước Mỹ tốt nhất thế giới sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chim-an-thit-f-22-dau-rong-lua-s-300-nguoi-thang-lam-vua-ke-thua-mat-trang-a407297.html