'Chim, hoa, cá, gái' và sự định kiến trong giới mỹ thuật

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan chọn vẽ 'chim, hoa, cá, gái' như một sự phản biện lại những định kiến lâu đời trong giới mỹ thuật, vốn không đánh giá cao những hình tượng này.

Sau 5 năm kể từ triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan tái ngộ công chúng bằng triển lãm cá nhân lần 4: Ngược dòng.

Triển lãm trưng bày 30 tác phẩm sơn dầu, đa số là tranh khổ lớn được sáng tác trong khoảng thời gian từ 2019 - 2023.

Trong đó, họa sĩ vẽ 16 bức tĩnh vật chim, hoa, cá, lá; 10 tranh hội họa kết hợp với các bộ khung tạo nên những tác phẩm sắp đặt độc đáo và 4 bức tranh tiếp nối chủ đề Dải hẹp của bầu trời.

Triển lãm còn là dịp để Nguyễn Ngọc Đan phản biện trong nghệ thuật. Trước nay, giới mỹ thuật có định kiến, không đánh giá cao mảng đề tài "chim, hoa, cá, gái". Tuy nhiên, họa sĩ trong nhiều năm vẫn miệt mài theo đuổi chủ đề này và chứng minh được giá trị mỹ thuật của chúng qua các tác phẩm của mình.

Ngược dòng là vượt thoát khỏi những định kiến, đóng khung về mặt quan điểm nghệ thuật. Với tôi, chủ đề không phải quan trọng nhất mà cốt lõi là ngôn ngữ tạo hình để truyền tải được tư tưởng và triết lý nhân sinh đến mọi người”, cô chia sẻ.

Một góc triển lãm 'Tĩnh vật'.

Với series tĩnh vật, họa sĩ đưa đến những hình ảnh thân thuộc, gợi nhắc ký ức mỗi người với lọ hoa, chậu cá, chú chim, mèo con, ngựa gỗ, mặt nạ…

Mỗi bức tranh như lưu giữ từng ký ức khó quên như: Trung thu mùa phong tỏa, Hoa cho ngày sinh nhật, Khúc mùa xuân, Trò chuyện, Giấc mơ mắc cạn, Giữa đời hư thực

Trong khi đó, với Ngược dòng, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan chọn nghệ thuật sắp đặt để trình bày tác phẩm có kích thước lớn.

Đặc trưng của series này là sự kết hợp đa dạng các chất liệu: gỗ, sắt, kẽm gai, composite (nhựa tổng hợp), kính màu dưới nhiều hình dạng: bình phong cũ, chạn bát cách điệu, khung cửa sổ...

Tác phẩm 'Truyền thống' kết hợp với bình phong gỗ.

Các tranh được họa sĩ lấy cảm hứng từ câu thành ngữ xưa: "Cá chậu chim lồng", với biểu tượng chú chim bên ngoài chiếc lồng trống, con cá chạm tới mặt trăng mang tính ẩn dụ về sự tự do; những lọ hoa trong bình, chiếc váy phụ nữ trên mắc treo là phép hoán dụ, gợi suy tưởng về cuộc sống và vai trò của con người trong thế giới hiện đại, đặc biệt là người đàn bà Á Đông.

Ngọc Đan cho biết quãng thời gian 5 năm ra đời của Ngược dòng cũng là lúc thế giới có quá nhiều biến động: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh khiến cuộc sống xoay chuyển bất ngờ.

Từ những chất liệu đời sống, cô tập trung khai thác, đưa vào tranh và tìm kiếm sự đồng cảm từ người xem.

“Nghệ thuật của tôi tập trung khai phá thế giới nội tâm và sức mạnh tinh thần của con người trên hành trình tìm về cội nguồn của nền văn minh”, cô bày tỏ.

Họa sĩ Ngô Đồng nhận định: “Xem tranh Đan, nhiều lúc ta cảm thấy như cô đang tự tìm cách thoát ra, vượt lên khỏi những giam hãm vô hình bản năng luôn có”.

Triển lãm Ngược dòng diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM đến hết ngày 27/11.

Nguyễn Ngọc Đan là họa sĩ thuộc thế hệ 8x của Sài Gòn. Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ Viện Mỹ thuật Surikov thuộc học viện Hàn lâm quốc gia Nga năm 2005, cô đã có quãng thời gian 9 năm sinh sống và làm việc tại Nga trước khi về Việt Nam chuyên tâm hoạt động nghệ thuật.

Năm 2015, Ngọc Đan có triển lãm cá nhân đầu tiên. Từ đó đến nay họa sĩ liên tục hoạt động, tham gia các cuộc triển lãm và giao lưu nghệ thuật, thường xuyên kết nối, tổ chức các trại sáng tác trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2018, nữ họa sĩ tổ chức triển lãm cá nhân mang tên Dải hẹp của bầu trời tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-phan-bien-cua-hoa-si-ngoc-dan-ve-dinh-kien-trong-gioi-my-thuat-2216704.html