'Chim sơn ca' Bích Việt

Nếu để khắc họa những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Đại tá - Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bích Việt, chỉ có duy nhất hai từ: Âm nhạc. Chính vì được trời phú cho chất giọng mà chị đã được tuyển vào bộ đội mặc dù không đủ tiêu chuẩn về cân nặng.

Ở môi trường quân ngũ, chị tiếp tục ấp ủ, nuôi dưỡng giọng hát cũng như bồi đắp tình yêu với người chiến sĩ, với quê hương đất nước, để rồi trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), rồi một giảng viên của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

1. NSƯT Bích Việt nay đã bước vào tuổi 65 nhưng dường như thời gian không làm “nhòa” được nhan sắc cũng như chất giọng của người nghệ sĩ đã từng làm nao lòng biết bao chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc. Với vẻ đẹp mặn mà, nụ cười tươi tắn cùng tâm hồn tươi trẻ, đi đến đâu chị cũng gây được sự chú ý của những người xung quanh.

Những năm tháng đất nước còn chiến tranh, nhiều người đã ví giọng hát của Bích Việt như “con chim sơn ca giữa đại ngàn xanh”. Giọng hát của chị đã xoa dịu biết bao vết thương chiến sĩ, là phép nhiệm màu động viên họ chiến đấu, chiến thắng và trở về. Đất nước thống nhất, giọng hát của chị lại càng “bay” cao vút và đắm say với những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước và tình yêu.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và văn nghệ ở Phú Thọ, tuổi thơ của Bích Việt gắn bó với những câu hát xoan, những câu hát chèo từ bà ngoại, từ mẹ và từ những người dân trong xóm. 12 tuổi chị đã chịu cảnh mồ côi mẹ, bố thì đi công tác triền miên, mấy chị em phải tự xoay xở, cáng đáng việc nhà.

Cuộc sống những năm tháng chiến tranh chống Mỹ vốn đã thiếu thốn vật chất, lại thiếu thốn cả tình cảm, càng làm cho trái tim người chị cả Bích Việt trở nên nhạy cảm, đa sầu. Để xoa dịu nỗi mất mát, lo lắng, những lúc rảnh rỗi chị lại nghe những bài hát cách mạng qua chiếc đài bán dẫn hiệu Xiongmao. Và cứ thế âm nhạc thấm vào máu Bích Việt, trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn chị.

2. Năm 18 tuổi, Bích Việt “trốn” gia đình để nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sau 3 tháng huấn luyện, chị được tuyển vào lớp đào tạo ngắn hạn cơ công, sửa chữa máy điện đàm trong xe tăng, sau đó chị chuyển sang học thợ tiện, rồi phụ giúp “anh nuôi”. Những công việc ấy là những trải nghiệm đầu đời thú vị, giúp chị có xúc cảm sâu lắng hơn, đồng cảm và thấu hiểu hơn với những khó khăn, gian khổ mà quân và dân ta đang phải trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những lúc rảnh rỗi, chị lại tìm đến với âm nhạc, cất lên những tiếng hát trong trẻo, tràn đầy lạc quan.

Tên tuổi của Bích Việt thực sự được biết đến khi vào tháng 7-1974, chị tham gia hội diễn toàn quân và đã xuất sắc giành hai Huy chương Vàng với hai ca khúc Đón anh bên tháp pháo xe tăng của nhạc sĩ Minh Chiến và Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc của nhạc sĩ Thuận Yến.

Sự khẳng định tài năng ở cuộc thi có uy tín này đã giúp chị trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Cũng từ đây cô ca sĩ trẻ đã được toàn tâm toàn ý đem lời ca tiếng hát của mình đi phục vụ chiến sĩ và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Bích Việt được giới chuyên môn và người yêu nhạc nhắc nhiều đến bởi giọng ca đa dạng, đa phong cách: Lúc ngọt ngào với Xe tăng qua miền quan họ (sáng tác An Thuyên), Hoa sim biên giới (Minh Quang), Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện (Hoàng Tạo), khi thì cao vút với Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), rồi lại trào dâng mãnh liệt với Nổi lửa lên em (sáng tác Huy Du), Đất nước bên bờ sóng (sáng tác Thái Văn Hóa)...

Nghệ sĩ Bích Việt luôn tự hào khi được gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ, được mang giọng hát của mình đến khắp mọi nẻo đường trên dặm dài đất nước. Những năm tháng chiến tranh gian khổ, lời ca tiếng hát của chị đã trở thành thứ vũ khí tinh thần, thôi thúc lòng quả cảm của người chiến sĩ, đồng hành cùng các đoàn quân trên đường ra trận với niềm tin tưởng, lạc quan vào ngày mai chiến thắng.

3. Khi đã ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp ca hát, nghệ sĩ Bích Việt âm thầm trở về “sau cánh gà” để đào tạo thế hệ ca sĩ kế cận. Bởi chị cho rằng chính thế hệ trẻ sẽ tiếp bước thế hệ của chị trong hành trang đem âm nhạc đến với người chiến sĩ và nhân dân. Từ năm 2000, nghệ sĩ Bích Việt bắt đầu tham gia giảng dạy thanh nhạc ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

Cùng với thế hệ nghệ sĩ tài năng và tâm huyết như: Dương Minh Đức, Hà Thủy, Kim Phúc..., nghệ sĩ Bích Việt đã góp phần đặt nền móng cho nhà trường, đào tạo nên những giọng hát cho quân đội cũng như cho đất nước.

Gần 20 năm cống hiến, chị đã có công đào tạo nhiều ca sĩ thành danh. Có nhiều học trò của chị sau đã được phong tặng danh hiệu NSƯT như: Hải Yến, Nhật Thuận, Thái Hằng..., trong số đó không ít người hiện đang đảm trách vị trí chủ chốt trong đoàn văn công các quân khu và các tỉnh. Cô học trò cưng Uyên Linh của chị cũng đã đoạt Quán quân Vietnam Idol 2010, rồi đến Hà Linh đoạt giải Nhất Sao Mai 2010.

Đặc biệt, “ngọn lửa” đam mê và nhiệt huyết với âm nhạc đã được nghệ sĩ Bích Việt truyền dạy cho người con dâu Phương Thảo (con trai của nghệ sĩ Bích Việt - chồng của nghệ sĩ Phương Thảo cũng là một nghệ sĩ chơi trống trong Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) - người vốn dĩ chưa từng học thanh nhạc chuyên nghiệp nhưng đã là giọng hát đình đám trong chương trình The Voice năm 2018 trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Nghệ sĩ Phương Thảo từng tâm sự đầy tự hào: “Mái ấm gia đình là ngọn lửa thôi thúc tôi quay lại với nghệ thuật, tiếp tục sống với đam mê. Chính mẹ chồng đã hướng dẫn luyện thanh và hết lòng động viên tôi trước khi tham gia “vòng thi giấu mặt” The Voice. Mẹ chồng thương yêu và coi tôi như con gái, mẹ cũng là ca sĩ nên rất hiểu lựa chọn và những khó khăn của tôi khi theo đuổi con đường này. Khi biết tôi đăng ký tham gia The Voice, chính mẹ đã hướng dẫn cho tôi những kỹ thuật thanh nhạc và bí kíp mà chỉ những người lâu năm trong nghề mới có được. Tôi thấy rất hạnh phúc và may mắn vì điều này”.

Những năm gần đây, NSƯT Bích Việt vẫn sung sức trong việc ra album trong sự mến phục của bạn bè, đồng nghiệp và học trò. Có lẽ những trải nghiệm trong suốt thời gian dài ở chiến trường cũng như sau ngày hòa bình thống nhất đất nước đã thôi thúc chị không chỉ hát mà còn sáng tác ca khúc.

Trải qua những giông tố cuộc đời với hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn, giờ đây nghệ sĩ Bích Việt đã tìm được người đàn ông mang đến cho chị sự bình yên, hạnh phúc, đó là nghệ sĩ kịch câm Thọ Hòa. Mái ấm gia đình bên người chồng hết mực yêu thương, chia sẻ, cảm thông đã là điểm tựa tinh thần vững chắc để người nghệ sĩ tiếp tục say mê, tâm huyết trong sự nghiệp giảng dạy, ca hát và sáng tác âm nhạc, dù sức khỏe đã không còn dồi dào như trước. Có thể nói, tình yêu với âm nhạc trong người nghệ sĩ quê đất Tổ này chưa bao giờ vơi cạn.

Trong sự nghiệp ca hát, nghệ sĩ Bích Việt đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân (1984), Giải Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (1985), Giải Nhất Cuộc thi hát thính phòng kèm theo hai giải phụ “Người hát dân ca hay nhất” và “Hát về người lính hay nhất” (1987), Giải Nhì Cuộc thi hát thính phòng toàn quốc (1988)...

Giang Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/951547/chim-son-ca-bich-viet