Chìm trong giông tố

Mỹ Latinh đắm chìm trong 'giông bão' suốt cả năm. Cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị ở Venezuela, chính biến tại Bolivia hay những cuộc biểu tình quy mô lớn kéo dài ở nhiều quốc gia đẩy Mỹ Latinh sâu vào tâm bão.

Những ngày cuối cùng của năm 2019, Venezuela vẫn phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức. Nền kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ khiến Venezuela bị rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi giá “vàng đen” trên thế giới sụt giảm cách đây 5 năm. Các nỗ lực vực dậy nền kinh tế suy kiệt của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro không hiệu quả. Lạm phát leo thang khiến nhiều người dân nước này khó hoặc không thể mua được các nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm và thuốc men. Đã vậy, Caracas lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị khi ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, bác bỏ vai trò của Tổng thống Maduro và tự phong làm tổng thống lâm thời của Venezuela hồi đầu năm nay.

Tại Bolivia, sau khi mất đi sự ủng hộ của quân đội và lực lượng cảnh sát, ông Evo Morales buộc phải từ bỏ chiếc ghế tổng thống. Quyết định kết thúc 14 năm cầm quyền được nhà lãnh đạo người bản địa đầu tiên của Bolivia đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực do phe đối lập phát động nhằm phản đối kết quả bầu cử hồi tháng 10 lên đến đỉnh điểm. Sự ra đi của ông Morales được coi là dấu chấm hết cho phong trào “Thủy triều hồng” của các lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latinh, vốn từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân khi vực dậy nền kinh tế khu vực những năm đầu thập niên 2000. Khoảng trống quyền lực mà ông Morales để lại đẩy Bolivia rơi vào hỗn loạn. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống lâm thời Jeannie Anez đảo ngược chính sách đối ngoại với các nước vốn là đồng minh của Bolivia như Venezuela và Cuba. Một cuộc bầu cử mới sẽ được tiến hành nhằm tìm cách đưa quốc gia Mỹ Latinh này sớm thoát khủng hoảng.

Đáng chú ý là phản ứng của Nga và Mỹ đối với tình hình ở Venezuela và Bolivia. Trong khi Moscow duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Maduro về kinh tế và quân sự thì Washington lại nỗ lực giúp thủ lĩnh phe đối lập lên nắm quyền kiểm soát Venezuela. Còn đối với chính biến tại Bolivia, cả Nga và Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống lâm thời Anez.

Những diễn biến tại Venezuela và Bolivia phơi bày sự chia rẽ không chỉ trong một nước mà còn cả tình trạng phân cực sâu sắc giữa phe cánh tả và cánh hữu ở khu vực. Trong khi các nhà lãnh đạo ở Mexico, Cuba lên tiếng ủng hộ cũng như bảo vệ ông Maduro và ông Morales thì những lãnh đạo cánh hữu ở các nước như Brazil, Colombia lại đứng về phía tổng thống lâm thời của Venezuela và Bolivia.

Quan sát toàn cảnh bức tranh Mỹ Latinh, không khó để nhận ra rằng làn sóng bất ổn chính trị-xã hội đã lan rộng ra hầu như ở khắp khu vực, từ các nước lớn cho tới những nước nhỏ. Tại Chile, nơi được coi là ốc đảo ổn định nhất khu vực, biểu tình leo thang sau khi tổng thống nước này Sebastian Pinẽra quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Thậm chí, tình hình an ninh ở Chile bất ổn đến mức nước này đành phải hủy bỏ việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25). Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng bùng phát tại Ecuador khi tổng thống nước này Lenin Moreno áp dụng chính sách kinh tế mang tính “thắt lưng, buộc bụng”, trong đó có việc chấm dứt trợ cấp xăng dầu. Các quốc gia nhỏ như Nicaragua, Haiti cũng bị tê liệt vì các cuộc biểu tình.

Dù cho căn nguyên của những biến động ở mỗi nước muôn màu muôn vẻ nhưng nhìn một cách tổng thể chúng vẫn có các điểm chung: Kinh tế khó khăn, bất bình đẳng xã hội và sự mất lòng tin vào chính quyền. Sau nhiều năm kinh tế trì trệ và thậm chí khủng hoảng, sự kiên nhẫn của người dân đã bị bào mòn. Cuộc sống khó khăn, khoảng cách giàu-nghèo gia tăng cùng với những quyết sách mà chính quyền đương nhiệm đưa ra không mang lại kết quả khả quan khiến người dân khó lòng chấp nhận. Theo ông Luis Felipe Lopez, Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Mỹ Latinh là nơi có sự bất bình đẳng đứng thứ hai trên thế giới, sau khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi. Trong khi đó, nhận thức về sự chênh lệch thu nhập trong xã hội tại khu vực hiện đã gia tăng và chỉ có 16% số người được khảo sát cho rằng sự phân chia này là công bằng. Thế nên, quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm ở Chile hay việc Chính phủ Ecuador cắt giảm trợ cấp xăng dầu trở thành “những giọt nước làm tràn ly”, khiến nhiều người dân xuống đường.

Mỹ Latinh từng được ví như "ngôi sao đang lên" của thế giới trong giai đoạn phát triển vàng 2003-2013. Thế nhưng, việc hàng loạt nền kinh tế chủ chốt của khu vực, như: Venezuela, Brazil, Chile đang phải vật lộn với nhiều khó khăn cùng các yếu tố bất lợi từ bên ngoài khiến cho bức tranh kinh tế của thị trường rộng lớn với hơn 660 triệu dân này tràn ngập gam màu xám ảm đạm.

Sự bất ổn về chính trị và xã hội ở Mỹ Latinh khiến tình hình thế giới vốn luôn biến động càng trở nên phức tạp. Dù năm 2019 đang dần khép lại nhưng những thách thức, khó khăn vẫn đang hiện hữu. Chừng nào những nguyên nhân cơ bản gây bất ổn chưa được giải quyết tận gốc thì tình hình khu vực vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Điều quan trọng hiện nay là các nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia trong khu vực cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi kinh tế, cải thiện đời sống của người dân cũng như nỗ lực giảm bất bình đẳng trong xã hội. Hy vọng, trong thời gian tới, khu vực của những vũ điệu sôi động sẽ thoát khỏi vòng xoáy bất ổn, vực dậy được nền kinh tế để tìm lại ánh hào quang một thời. Tất nhiên, đây không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chim-trong-giong-to-605968