Chim va đập vỡ cả đèn cất hạ cánh tàu bay

Tại CHK quốc tế Cát Bi, thợ máy đã phát hiện một đèn hạ cất cánh của tàu bay bị vỡ do va chạm với chim.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nơi phát hiện ra vụ việc (Ảnh minh họa)

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nơi phát hiện ra vụ việc (Ảnh minh họa)

Mới đây, tại CHK quốc tế Cát Bi, sau khi máy bay A320/VN-A650 vừa thực hiện xong chuyến bay VJ286 từ TP.HCM ra Hải Phòng, thợ máy đã phạt hiện một đèn hạ cất cánh của tàu bay bị vỡ do va chạm với chim.

“Trên mảnh đèn còn lại vẫn còn nguyên vết máu”, một người chứng kiến nói và cho biết thêm: Ngay khi có phát hiện đèn vỡ, ngoài việc thợ kỹ thuật phải tiến hành thay đèn để tàu bay có thể thực hiện chuyến bay tiếp theo, nhà chức trách sân bay cũng phải nhanh chóng phối hợp với CHK quốc tế Cát Bi để kiểm tra, tìm kiếm mảnh vỡ theo lộ trình của tàu bay. Nhiều mảnh vỡ thủy tinh đã được phát hiện trên đường hạ cất cánh. CHK quốc tế Cát Bi đã tiến hành thu dọn các mảnh vỡ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu bay hoạt động.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc tàu bay bị chim va đập. Hậu quả của vụ đâm va lần này cũng chưa nghiêm trọng và không gây ảnh hưởng nhiều.

Trước đó, Báo Giao thông đã từng thông tin về một trường hợp khác khi máy bay A321 số hiệu VN- A637 đã bị chim va ở sân bay Cát Bi, dẫn đến 7 chuyến bay bị hủy do máy bay phải nằm lại sân bay để sửa chữa.

Chim va máy bay là vấn nạn trong lĩnh vực hàng không, gây thiệt hại không nhỏ cho các hãng hàng không trên thế giới. Theo Business Insider - tờ báo điện tử nổi tiếng của Mỹ có trụ sở tại New York, hàng năm, các hãng hàng không ở Mỹ ước tính thiệt hại lên đến 1,2 tỷ USD do các lần va chạm với chim gây ra. Đó là chưa kể đến việc các chuyến bay phải trì hoãn hay nghiêm trọng hơn là buộc phải hủy chuyến.

Tại Việt Nam, mỗi năm, số sự cố liên quan đến chim va đập được ghi nhận tại CHK trên cả nước cũng lên tới vài chục vụ.

Theo Cục Hàng không VN, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300-500m thường bay cắt ngang đường cất hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.

“Do các tỉnh phía Nam có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay”, đại diện Cục Hàng không VN nói và cho biết, thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) đã áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim, bắn chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, hiện lực lượng chức năng tại các sân bay vẫn tiến hành cắt cỏ, dọn quang các rãnh nước, bụi rậm để tránh các loài ếch nhái thu hút chim.

Ngân Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chim-va-dap-vo-ca-den-cat-ha-canh-tau-bay-d433363.html