Chín tháng 2023: 'Tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong những năm bình thường'

'Kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2023 tăng trưởng 4,23%, thấp nhất trong những năm bình thường. Trong khi đó khu vực Đông Á tăng trưởng bình quân 5%, khu vực Nam Á còn tốt hơn như Ấn Độ, Bangladesh tăng hơn 6%'.

 Gỡ vướng mắc cho bất động sản, củng cố tài chính tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế (ảnh minh họa)

Gỡ vướng mắc cho bất động sản, củng cố tài chính tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế (ảnh minh họa)

Đây là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cung cấp tại Tọa đàm 'Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024' ngày 3/11.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, giải pháp phục hồi kinh tế là phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng thực tế cần kéo dài tới 2025 để tạo ra 1 niềm hứng khởi, luồng gió mới thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch kiến nghị, cần tháo gỡ các điểm nghẽn đến nơi đến chốn, trong đó Ngân hàng Nhà nước cần rà lại tất cả các gói tín dụng; cần có đạo luật chuyển đổi xanh để không lỡ mất cơ hội.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản ở cả cung và cầu, bởi lĩnh vực này có tác động tới nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế; cần củng cố thị trường tài chính để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Có thể không đạt mục tiêu nhưng quan trọng là thể chế chính sách tạo được nền tảng cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, tiêu dùng nội địa và thương mại nội địa đang đóng vai trò quan trọng, là một trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng năm 2023.

Từ nay tới cuối năm 2023 và năm 2024, TP.HCM sẽ chú trọng các vấn đề về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường nhất là phục vụ Tết 2024.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, từ tháng 7/2023, lần đầu tiên niềm tin của người tiêu dùng (CCI) tại Việt Nam rớt vào nhóm một trong những nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Cơ cấu nguồn hàng đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ. Người tiêu dùng tiết kiệm hơn, tiêu dùng thông minh và quan tâm nhiều đến tiêu dùng thiết yếu.

Ông Đức đề xuất, cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các ngành, các hiệp hội để tạo nên sức bật tổng thể cho nền kinh tế hơn là cạnh tranh cục bộ trong từng ngành.

Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (Hawa), để tháo gỡ những khó khăn của ngành gỗ và mở rộng thị trường xuất khẩu thì việc tăng cường xúc tiến thương mại giữ vai trò quan trọng khi mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Chánh Phương khuyến nghị: "các doanh nghiệp nên sớm đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong sản xuất, xuất khẩu, thiết kế... để tăng sức cạnh tranh khi hộp nhập và mở rộng thị trường:.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chin-thang-2023-tang-truong-kinh-te-thap-nhat-trong-nhung-nam-binh-thuong-20180504224291118.htm