Chính khách Nga cũng phản đối tăng tuổi hưu

Dự thảo luật tăng tuổi hưu ở Nga đã gây tranh cãi và có cả xuống đường phản đối, nên Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ lắng nghe 'tất cả các ý kiến' về vấn đề này.

Ngày 19.7, Hạ viện Nga thông qua lần thứ nhất dự thảo luật tăng tuổi hưu trí, theo đó từ năm 2028, tuổi nhận lương hưu của nam lao động đổi từ 60 lên 65 tuổi. Và từ năm 2034, tuổi nhận lương hưu của nữ lao động đổi từ 55 lên 63 tuổi.

Ngày. 20.7, Tổng thống Putin tuyên bố “chưa có quyết định cuối cùng và dĩ nhiên tôi sẽ lắng nghe tất cả các quan điểm, tất cả các ý kiến”.

Nhưng nhà lãnh đạo Nga không nói gì về khả năng dời lại dự thảo luật, chỉ nói tuổi thọ của người Nga tăng cao, đang khiến hệ thống tiền lương Nga chịu sức ép lớn.

Kinh tế Nga hiện bị suy yếu, sau nhiều năm bị phương Tây trừng phạt do việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng năm 2017 Nga đạt tăng trưởng GDP khoảng 1,5%.

Đúng ngày khai mạc World Cup 2018 hôm 14.6, chính quyền Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev công bố dự thảo luật sửa đổi tuổi hưu trí, thay đổi mức tuổi hưu 60 và 55 đối với nam-nữ lao động Nga được áp dụng từ thời lãnh tụ Josef Stalin.

Ông Medvedev nói chính phủ sẽ tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 18 lên 20% để có thêm 9,6 tỉ USD cho ngân sách quốc gia. Ông khẳng định sự tăng này là “không thể tránh khỏi và sẽ kéo dài”.

Công chức chính quyền sống xa rời quần chúng

Ngay sau đó đã có những cuộc biểu tình phản đối dự luật tăng tuổi hưu trí. Trước cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất của Viện Duma quốc gia, các đảng ủng hộ thị trường tự do và cả đảng Cộng sản Nga (đảng lớn thứ nhì ở Quốc hội Nga) tổ chức biểu tình phản đối, dù đã có lệnh cấm biểu tình ở các thành phố lớn như Moscow và St.Petersburg cho đến ngày 18.7, vì lý do bảo đảm an ninh cho kỳ World Cup 2018.

Đảng Cộng sản Nga kêu gọi toàn quốc xuống đường vào ngày 28.7 tới để ép chính phủ Nga hủy dự luật tăng tuổi hưu. Thủ lĩnh Gennady Zyuganov nói tăng tuổi hưu có nghĩa “các bà nội ngoại sẽ không còn có thể chăm sóc các đứa cháu trong khi bố mẹ chúng đi làm, điều phổ biến nơi nhiều gia đình Nga”. Đảng Cộng sản Nga còn kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất của ông Putin bác bỏ gợi ý này.

Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny nói: “Việc Medvev và Putin tăng tuổi hưu là một tội ác, cướp tiền của hàng chục triệu người lao động với cớ “cần một cuộc cải cách”.

Dân Nga xuống đường phản đối dự luật sửa tuổi hưu - Ảnh: AP

Các thăm dò dư luận cho thấy 90% dân Nga phản đối tăng tuổi hưu trí, và hơn 2,5 triệu công dân đã ký kiến nghị điện tử, đề nghị Tổng thống Nga hủy dự thảo luật này.

Công đoàn lao động Nga là một trong những tổ chức đi đầu trong việc phản đối sửa tuổi lương hưu, khẳng định trong tuyên bố: “Đại bộ phận công dân Nga sẽ không sống đến tuổi hưu”.

Người chỉ trích nói mức tuổi hưu sửa đổi đồng nghĩa giới lao động Nga sẽ phải “cày” cật lực và rất có khả năng họ chết khi đã cao tuổi mà vẫn phải lao động.

Theo các số liệu chính phủ, gần 60% nam giới Nga qua đời trước 65 tuổi, và dù tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nga là 73, nhiều người nói cơ hội có việc làm bị hạn chế, một khi họ vào tuổi trung niên.

Ngoài ra, Nga có khoảng 36 triệu người hưu trí. Mức lương hưu trung bình ở Nga là 14.000 rúp (213 USD/tháng) và nhiều người phải kiếm thêm hoặc nhờ gia đình hỗ trợ khi thu nhập của họ còm cõi. Khoảng 22 triệu dân Nga (15% tổng dân số) chính thức thuộc diện nghèo, với thu nhập hàng tháng chưa đến 157 USD.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov gây phẫn nộ khi ông gợi ý các công dân Nga nên tự lập quỹ hưu trí riêng, thay vì dựa hẳn vào quỹ lương hưu của nhà nước.

Stanislav Orlov, một nhân viên công nghệ thông tin, 47 tuổi, ở Moscow, nói với báo Washington Times: “Các quan chức xa rời quần chúng nhân dân. Tôi muốn được thấy Bộ trưởng Siluanov sống thế nào với một khoản lương hưu trung bình”.

Chính phủ Nga đã cố gắng kéo giảm những chỉ trích. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nhắc lại chuyện hồi năm 2005 Tổng thống Putin có hứa khi nào ông còn nắm quyền thì sẽ không có chuyện tăng tuổi hưu, nhưng nói thêm việc tăng tuổi hưu cũng như những khó khăn kinh tế buộc Tổng thống Nga phải hủy lời hứa.

Ông Peskov nói: “Có nhiều thay đổi về dân số và từ quan điểm của bộ phận lập kế hoạch phát triển kinh tế”.

Điện Kremlin cũng khẳng định tuổi hưu của vài nghề nghiệp, trong đó có quân đội, cảnh sát, giáo viên và bác sĩ vẫn được giữ nguyên.

Uy tín Tổng thống Nga bị giảm vì dự luật sửa tuổi hưu

Theo báo Washington Times, tỷ lệ tín nhiệm ông Putin giảm mạnh vì những vụ tham nhũng cấp cao, tiêu chuẩn mức sống giảm trong vài năm qua, nhưng nay sẽ giảm mạnh hơn nữa vì kế hoạch tăng tuổi hưu trí trên toàn quốc.

Theo Trung tâm thăm dò dư luận Nga (thuộc nhà nước Nga), tỷ lệ tín nhiệm ông Putin giảm từ 77% xuống còn 63% kể từ khi công bố dự thảo luật, trong khi ông vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 được 3 tháng.

Dù Nga tổ chức World Cup 2018 thành công rực rỡ, đây là sự giảm uy tín thấp nhất của ông Putin từ sau lần sáp nhập Crimea vốn giúp Tổng thống Nga tăng uy tín và dẫn đến những tình cảm yêu nước cuồng nhiệt.

Nhà bình luận chính trị Andrei Kolesnikov viết trên báo thương mại Vedomosti: “Lần đầu tiên uy tín của Putin không tương thích với uy tín của đất mẹ Nga đang tăng; uy tín của người đứng đầu dân tộc đang giảm và uy tín của các cơ quan công quyền bị kéo giảm theo”.

Các nhà phân tích nói nếu uy tín Tổng thống Nga giảm sâu thêm nữa, thì có thể có hậu quả bi kịch. Ông Abbas Gallyamov từng là người viết diễn văn cho Điện Kremlin và nay là nhà phân tích chính trị, nói: “Uy tín của Tổng thống hỗ trợ chính phủ, nếu bị giảm thì cả hệ thống này sẽ sụp đổ như những quân bài”.

Trung Trực (theo AP, Washington Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/chinh-khach-nga-cung-phan-doi-tang-tuoi-huu-93006.html