'Chính Mỹ mới là đế chế tin tặc'

'Mỹ liên tục đổ vấy cho Huawei nhưng chính họ là 'đế chế tin tặc', là quốc gia làm gián điệp trong không gian mạng'.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/2 lên án Mỹ là quốc gia lớn nhất thế giới làm gián điệp, ví Mỹ là một "đế chế tin tặc" giữa bê bối của công ty Crypto AG Thụy Sĩ nắm giữ thông tin tình báo của 130 quốc gia bị cho là công ty bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.

"Sự trơ trẽn của Mỹ trong các vấn đề về an ninh mạng không thể rõ rệt hơn được nữa. Mỹ không có tư cách và không có quyền nói chuyện với các quốc gia khác về an ninh mạng.

Sự thật và thời gian đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ là Nhà nước lớn nhất tham gia các hoạt động gián điệp trong không gian mạng, đáng được gọi là đế chế tin tặc" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bình luận về Crypto AG.

Ông Cảnh Sảng cũng cáo buộc Mỹ nghe lén khoảng 5 tỷ điện thoại di động trên thế giới mỗi ngày. Trong hơn 10 năm, Mỹ đã chặn các cuộc trò chuyện trên điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel, hàng năm theo dõi hơn 2 triệu máy tính Trung Quốc và cài đặt các chương trình virus cho 3.600 trang web Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi hành động của công ty Mỹ là "mánh khóe" khi Mỹ vừa làm gián điệp vừa lên tiếng gọi mình là nạn nhân của cuộc tấn công mạng giống như một tên trộm hét lên "Bắt lấy thằng ăn cắp". Bình luận này được cho là lời chỉ trích của Trung Quốc trước việc Mỹ lên án cuộc điều tra

Ông Cảnh Sảng nói thêm rằng, hành vi "gián điệp quy mô lớn, có tổ chức” của Mỹ liên quan đến nhà nước thông qua các công ty và cá nhân nước ngoài là một thực tế mà ai cũng biết.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ giải thích với thế giới về bê bối Crypto AG sau khi các vụ việc của những "người thổi còi" Edward Snowden và người sáng lập tổ chức WikiLeaks Julian Assange vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.

Vụ bê bối về Crypto AG được cho là bê bối gián điệp lớn giữa cơ quan tình báo Mỹ và Đức đã bị lật tẩy bởi hãng truyền hình Đức ZDF và tờ báo Mỹ The Washington Post.

Hai đơn vị truyền thông này đã tiến hành một cuộc điều tra chung và thấy rằng, gián điệp của hai nước này đã hoạt động ở 130 quốc gia, gồm cả đồng minh và các đối thủ, trong vòng 50 năm qua. Họ được sự giúp đỡ từ thiết bị truyền phát thông tin mật của một công ty sản xuất Thụy Sĩ - Crypto AG.

Thông tin này hoàn toàn bất ngờ bởi Thụy Sĩ lâu nay duy trì tính trung lập về cả chính trị và quân sự nhưng cũng đã dính dáng tới vụ việc.

Các quốc gia lựa chọn sản phẩm của công ty Thụy Sĩ nhằm bảo vệ các thông tin mật của họ. Hơn 100 quốc gia đã trả hàng tỷ USD để giữ bí mật nhưng cuối cùng chúng vẫn bị đánh cắp, tờ báo Mỹ viết.

Công ty Crypto AG Thụy Sĩ lại thuộc sở hữu bí mật của CIA, trong mối quan hệ đối tác với tình báo Đức, có quyền truy cập vào thiết bị mã hóa, có thể dễ dàng bẻ khóa mã được các quốc gia sử dụng gửi tin nhắn mã hóa.

Crypto AG tham gia thị trường thế giới trong thời gian Thế chiến thứ hai, ký hợp đồng đầu tiên là chế tạo các máy mã hóa cho quân đội Mỹ. Tiếp theo là các phát triển hàng đầu về mã hóa, tạo ra các chíp điện tử và phần mềm. Crypto AG được ưu tiên lựa chọn ở nhiều quốc gia do được đảm bảo bằng tính trung lập của Thụy Sĩ trong chính trị cũng như quân sự.

Tình báo Đức đã mua lại Crypto AG vào năm 1971 thông qua một trong các quỹ đầu tư ở Liechtenstein. Chiến dịch chung được mang tên "Rubicon".

Trong số các khách hàng có Pakistan và Ấn Độ - đối thủ của nhau, các quân đội khu vực châu Mỹ Latinh, Argentina, Arabia Saudi, Iran, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Hy Lạp, Qatar, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí cả Vatican.

Liên Xô đã nghi ngờ Crypto AG có quan hệ với phương Tây và quyết định không mua thiết bị từ Thụy Sĩ. Trung Quốc cũng vậy.

Tuy nhiên, theo Washington Post, Tình báo Mỹ có quyền truy cập vào mật mã của những quốc gia mà cả Moscow và Bắc Kinh có mối tương tác tích cực.

Peter Kornbluh, nhà sử học của cơ quan lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "CIA có thể lắng nghe thông tin ngay cả trong quá trình chuẩn bị đảo chính ở Chile. Các dịch vụ bí mật Mỹ có những kỹ năng đáng kinh ngạc trong lĩnh vực này, vì vậy họ có thể hỗ trợ và giúp thực hiện cuộc đảo chính".

Tuy nhiên, vào những năm 90, Crypto AG đã bị nghi ngờ khi người đồng sáng lập công ty này bị bắt gặp liên hệ với một đại diện tình báo Mỹ. Khi đó, đại diện bán hàng doanh nghiệp này đã bị bắt giữ ở Iran.

Người Đức quyết định rời bỏ chương trình “Rubicon" và bán cổ phần của mình cho người Mỹ - người tiếp tục đứng đằng sau Crypto AG cho đến năm 2018.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chinh-my-moi-la-de-che-tin-tac-3397123/