Chính phủ điện tử phải bắt nguồn từ những dịch vụ mà người dân quan tâm

Tại Hội thảo chuyên đề số 6 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề 'Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' do Ban Kinh tế trung ương tổ chức ngày 11/11, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng chính phủ điện tử cần phải bắt nguồn từ những dịch vụ công mà người dân đang quan tâm.

Tiến triển đáng ghi nhận

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 23/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước năm 2020 đạt 30,86%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Tính đến ngày 20/8 vừa qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%; trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 27,71%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 43,40%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng và Nhà nước đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% quận, huyện, thị xã. Một số cơ sở dữ liệu tạo nền tảng đã được xây dựng như: cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành chính thức từ ngày 1/7 năm nay.

TS.Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Chính phủ số bản chất là chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số.

“Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”, họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “bốn có”, có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.” – Ông Phong phân tích.

Ông Phong cũng cho biết, hiện nay, trục liên thông văn bản quốc gia đã được xây dựng nhằm kết nối các hệ thống quản lý văn bản điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Tính cho tới thời điểm hiện tại, trục đã kết nối 94/94 bộ, ngành, địa phương và kết nối với hệ thống quản lý văn bản điều hành của Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội.

Từ khi khai trương, trong vòng hơn 2 năm kể từ ngày 12/3/2019 đến ngày 19/8/2021 có tổng số hơn 6,3 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc năm 2020 đạt 90,8%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều điều cần cải thiện

Việt Nam đang xác định mục tiêu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và vượt qua bẫy trung bình thấp, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được điều này, một trong những nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng chính phủ số. Theo đó, sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thiết kế lại vận hành của Chính phủ nhằm giúp cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Ông Vũ Kiêm Văn - Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam đề xuất, để nâng cao thứ hạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam cần cải thiện dịch vụ trực tuyến, trong đó lựa chọn các dịch vụ công nhiều người dân quan tâm, mức độ truy cập tiềm năng nhiều như: khai sinh, khai tử, kết hôn, thuế, giấy phép lái xe, môi trường, thanh toán điện nước; đảm bảo tính dễ sử dụng, liên tục và ổn định của dịch vụ công trực tuyến; phân loại các dịch vụ công trực tuyến hướng tới từng đối tượng người dân: người trẻ, người khuyết tật, người nhập cư, các dịch vụ công đặc biệt theo diễn biến xã hội. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia và các cổng thông tin của quốc gia, cổng thông tin của các bộ, tỉnh, cơ quan nhà nước các cấp.

Ông cho rằng, để nâng cao chỉ số chuyển đổi số, cần có sự quan tâm của lãnh đạo về chuyển đổi số phải được cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động. Cần xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử/đô thị thông minh, kế hoạch phát triển hằng năm và 5 năm, cùng với quy định thống nhất về chia sẻ thông tin, dữ liệu.

Đồng thời, cần tăng cường đào tạo kỹ năng số thông qua các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp tại các địa phương.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-phu-dien-tu-phai-bat-nguon-tu-nhung-dich-vu-ma-nguoi-dan-quan-tam-167226.html