Chính phủ Hàn Quốc đưa ra tối hậu thư mới cho bác sĩ đình công

Bộ Y tế Hàn Quốc kêu gọi các bác sĩ thực tập tham gia đình công để phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh ngành y trở lại bệnh viện trước ngày 2.4, nếu không họ sẽ bị cấm đào tạo trong nửa đầu năm nay, Yonhap đưa tin.

Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul ngày 29.3.2024. Ảnh: Yonhap

Tuyên bố trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo đưa ra trong cuộc họp báo ngày 29.3. Đây là lần thứ hai Chính phủ Hàn Quốc đưa ra thời hạn yêu cầu các bác sĩ quay trở lại. Trước đó, ngày 27.2, Bộ Y tế Hàn Quốc tuyên bố các bác sĩ thực tập sẽ phải đối mặt với các hình phạt pháp lý, trong đó có đình chỉ giấy phép hành nghề, nếu không quay trở lại làm việc trước thời hạn chót ngày 29.2. Tuy nhiên, quá thời hạn trên, chỉ có số lượng ít các bác sĩ quay trở lại.

Khoảng 12.000 (tương đương hơn 90%) bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú ở Hàn Quốc đình công từ ngày 20.2 để phản đối việc Hàn Quốc dự tính tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 học sinh từ mức 3.058 hiện tại từ năm 2025. Cuộc đình công khiến các ca phẫu thuật cùng nhiều dịch vụ y tế công tại các bệnh viện lớn phải hủy bỏ hoặc bị hoãn.

Lượng bác sĩ thực tập đình công chỉ chiếm chưa đến 10% trong tổng số 140.000 bác sĩ của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở một số bệnh viện lớn, bác sĩ thực tập chiếm khoảng 30 - 40% tổng số bác sĩ, đảm nhận việc hỗ trợ các bác sĩ cấp cao trong quá trình phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân nội trú trong quá trình thực tập.

Để ủng hộ cuộc đình công của các bác sĩ trẻ, các giáo sư y khoa Hàn Quốc - tức những bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện đại học lớn - cũng nộp đơn từ chức từ đầu tuần này.

Yonhap nhận định, triển vọng giải quyết bế tắc thông qua đàm phán rất mong manh khi Chính phủ Hàn Quốc đã phân bổ thêm 2.000 suất tuyển sinh trường y cho các trường đại học, dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ không từ bỏ kế hoạch.

Cuộc đình công hàng loạt của các bác sĩ thực tập đã kéo dài hơn 5 tuần khiến các bệnh viện đa khoa lớn phải tạm thời đóng cửa một phần khu vực làm việc, sắp xếp lại nhân sự.

Năm bệnh viện lớn gồm: Trung tâm Y tế Asan, Trung tâm Y tế Samsung, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện St. Mary Seoul đã thiệt hại hơn 1 tỉ won (741.344 USD) mỗi ngày và phải chuyển sang chế độ quản lý khẩn cấp để vượt qua khủng hoảng, theo các quan chức địa phương.

Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul tạm thời đóng 10/60 khoa của bệnh viện, bao gồm cả khoa dành cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư. Những bệnh nhân trong các khoa bị đóng đã được chuyển sang khoa khác "để hoạt động linh hoạt trong tình hình hiện tại". Trung tâm Y tế Asan cũng đóng 9/56 khoa và Bệnh viện St. Mary đã bỏ trống 2/19 khoa để ứng phó khẩn cấp với tình hình hiện tại.

Một quan chức bệnh viện cho biết: “Chúng tôi thậm chí không thể dự đoán khi nào tình trạng này sẽ chấm dứt vì các bác sĩ thực tập không đi làm và các giáo sư đã nộp đơn xin nghỉ việc".

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tham gia đối thoại tích cực với các bác sĩ nhưng nhấn mạnh việc tăng chỉ tiêu là không thể đàm phán. Hàn Quốc nỗ lực tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ, đặc biệt là ở nông thôn và các lĩnh vực y tế thiết yếu như: phẫu thuật có nguy cơ cao, nhi khoa, sản khoa và cấp cứu. Do dân số già đi nhanh chóng cùng các vấn đề xã hội khác, Hàn Quốc dự kiến thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035.

Các bác sĩ đình công cho rằng, tăng chỉ tiêu ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, dịch vụ y tế, dẫn tới dư thừa bác sĩ. Chính phủ cần bảo vệ tốt hơn cho đội ngũ nhân viên y tế trong những vụ kiện về sơ suất khi làm việc, tăng thu nhập để khuyến khích bác sĩ làm việc ở những khu vực, lĩnh vực ít được quan tâm.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/chinh-phu-han-quoc-dua-ra-toi-hau-thu-moi-cho-bac-si-dinh-cong-i364654/