Chính phủ không nới lỏng kiểm soát lạm phát

Trong phiên thảo luận kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm đến việc kiểm soát lạm phát và chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nhận định Chính phủ đã xây dựng, triển khai rất kiên định chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ có một chương trình như vậy cho cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ghi thêm những dấu mốc mới rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết, hoàn tất đàm phán và thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đại biểu cho rằng, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế có thể thấy niềm tin và những động lực mới của cải cách đang được khơi dậy. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua.

Mặc dù giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế tăng trưởng khả quan với tốc độ trung bình ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm trong cả giai đoạn 2016-2020 vẫn là thách thức rất lớn. Đại biểu phân tích nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 đang được điều chỉnh theo hướng giảm đi, trong bối cảnh đó, các xu hướng về xuất khẩu và đầu tư trong thời gian tới sẽ khó khả quan và thuận lợi như trong 3 năm qua đối với nền kinh tế của Việt Nam.

Đại biểu đặt câu hỏi với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát “khoảng 4%” thay cho “dưới 4%” trong năm 2019, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào?

Tham gia trả lời các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô được Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Về phía Chính phủ, ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lai, dự trữ ngoại hối, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ và ngoại thương. Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền.

Theo Phó Thủ tướng, việc ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp Chính phủ củng cố hơn nữa nền tảng tăng trưởng, tăng cường sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước sức ép của căng thẳng thương mại, sức ép gia tăng lãi suất của các nền kinh tế thế giới, đồng thời cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ngoài ra, Chính phủ đang tính toán các động lực cho tăng trưởng từ nay tới năm 2020, trước khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội về chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, Phó Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế nhanh, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước nhưng phải bảo đảm tăng trưởng bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Liên hợp quốc đã quyết nghị. Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 24 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong 3 năm qua với chuyển biến tích cực, rõ rệt và quan trọng là đi đúng hướng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ chất lượng tăng trưởng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, không cố gắng thì nguy cơ tụt hậu vẫn còn hiệu hữu.

PHÚC HẰNG - THU PHƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/201810/chinh-phu-khong-noi-long-kiem-soat-lam-phat-821032/