Chinh phục thị trường nội địa

Với một quốc gia gắn bó cùng nền văn minh lúa nước và có một thị trường lên tới hơn 100 triệu dân, phát triển sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ nội địa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Mặt khác, chú trọng phát triển thị trường trong nước với những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng được nâng cao và tư duy mới trong sản xuất sẽ từng bước hình thành. Và, khi người tiêu dùng tin tưởng, ủng hộ nông sản nước nhà thì nền nông nghiệp hàng hóa sẽ phát triển, mang theo lợi nhuận cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Do đó, nêu nhiệm vụ trọng tâm của trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành Nông nghiệp phải xác định chỉ dấu thị trường để điều chỉnh sản xuất, định hướng quy hoạch các vùng nguyên liệu; đổi mới không gian tăng trưởng mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa…

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với không ít rủi ro từ những “đứt gãy” của chuỗi cung ứng toàn cầu, thế nên bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, một số doanh nghiệp đã chú trọng khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, sự kết nối giữa người sản xuất và nhà phân phối vẫn là cả vấn đề, chưa kể đến những chiết khấu vô lý hay phí tổn không minh bạch... Do vậy, nguy cơ sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam “thua trên sân nhà” vẫn là câu chuyện rất đáng phải suy nghĩ. Bởi, với những lợi thế về giá cả, mẫu mã…, nông sản nước ngoài hoàn toàn có thể tràn vào thị trường nội địa và gánh chịu thiệt thòi chính là các nhà kinh doanh và người nông dân.

Vậy, làm thế nào để phát triển thị trường nông sản nội địa một cách bài bản? Rất nhiều vấn đề cần đặt ra, cần giải quyết. Trước hết, để đổi mới không gian tăng trưởng, mở rộng thị trường nội địa, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương quy hoạch phát triển sản xuất gắn với hệ thống phân phối, trong đó chú trọng thiết lập các chợ đầu mối, bảo đảm nông sản được giao dịch công khai, minh bạch trên thị trường. Cùng với đó là hình thành các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến và phát triển các dịch vụ logistics…

Mặt khác là xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, từ đó từng bước hình thành những doanh nghiệp giàu tiềm lực đủ sức dẫn dắt thị trường… Cùng với đó là triển khai các giải pháp tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, bảo đảm năng suất, chất lượng và có khối lượng lớn. Đồng thời, ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp với ngành Công Thương và các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp và tăng cường tiếp thị sản phẩm nông nghiệp trên các kênh truyền thống và hiện đại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam ngay trên “sân nhà”.

Và vấn đề cốt lõi là người nông dân cũng như doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng coi trọng tiêu dùng trong nước, từ đó đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng; được đóng gói bao bì, có nhãn mác hấp dẫn và có thể truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tạo sự yên tâm, tin tưởng cũng như sự ủng hộ của người tiêu dùng nước nhà đối với nông sản Việt Nam.

Chinh phục thị trường nội địa không chỉ hạn chế được rủi ro từ các chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu mà còn giúp người nông dân, doanh nghiệp nâng cao thu nhập, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng và phát triển bền vững.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1052287/chinh-phuc-thi-truong-noi-dia