Chính quyền Đà Nẵng nói gì về các bãi giữ xe?

TP Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thiện phương án 'kẻ vạch thu phí' đậu đỗ xe ô tô ở những bãi đỗ xe lớn, gần các khu vực kinh doanh sầm uất tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Đó là nội dung mới nhất trong báo cáo của Sở GTVT TP Đà Nẵng vào ngày 7/5/2018 xung quanh việc dư luận cho rằng chính quyền Đà Nẵng thu phí giữ xe chỉ là để “tận thu”, tăng ngân sách thành phố chứ không giải quyết được bài toán hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường quản lý trật tự đô thị.

Tại dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2/9, mặc dù bãi giữ xe ngay bên cạnh nhưng nhiều xe du lịch phản ứng bằng cách không cho xe vào bãi mà ngang nhiên đậu xe chắn đường giao thông.

Bất công cho doanh nghiệp?

Việc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Lâm trúng thầu ba bãi giữ xe ở đắc địa nhất của thành phố hiện nay gồm: dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2/9 (quận Hải Châu), dãy nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp (đoạn từ nhà hàng Mỹ Hạnh đến nhà hàng Phước Mỹ, quận Sơn Trà), khu vực trước Cổ Viện Chàm (quận Hải Châu) khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh việc phát sinh nhiều phản ứng tiêu cực từ dư luận, khách hàng và thậm chí ngay tại khu vực các nhà hàng từ trước đến nay được hưởng “ké” những vị trí đất công của thành phố nhưng không mất bất cứ chi phí nào khiến họ càng bức xúc.

Bên cạnh việc thất thu ngân sách trong nhiều năm nay từ các bãi đất công mà chủ các dãy nhà hàng “mặc nhiên” cho rằng họ được hưởng, dự luận còn cho rằng năng lực quản trị trật tự đô thị của chính quyền TP Đà Nẵng xưa nay còn tồn tại nhiều vấn đề...

Hiện trạng bãi đỗ xe đường 2/9 chính quyền Đà Nẵng chỉ cho doanh nghiệp thuê măt bằng, không phải thuê đất (không được đầu tư hạ tầng, mái che...) đã xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân và tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Ông Vũ Nguyên Thái - Giám đốc Công ty Thái Lâm chia sẻ: “Không hiểu sao chủ trương xã hội hóa các bãi giữ xe ở những tỉnh thành khác trên cả nước thực hiện rất tốt nhưng tiến hành ở Đà Nẵng lại “vướng”? Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật rằng nếu không phải là Công ty Thái Lâm trúng thầu mà là một đơn vị khác thì cũng sẽ khải đương đầu với những bất cập đó khi chủ trương của chính quyền không nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Điều này chính là rào cản lớn nhất giữa doanh nghiệp và người dân”.

Những lập luận của Công ty Thái Lâm không phải là không có cơ sở khi ông Thái khẳng định việc dự thầu các bãi giữ xe đều tiếp nhận thông tin công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, việc tổ chức đấu giá cho thuê mặt bằng để thực hiện dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe tập trung được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng thực hiện theo chỉ đạo tại công văn số 5839/UBND-SGTVT ngày 01/8/2017 của UBND thành phố. Thông tin đấu giá được đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 04/8/2017 và 10/8/2017, Báo Công an Đà Nẵng ngày 09/8/2017 và 15/8/2017, đăng trên website của Cục quản lý Công sản (thuộc Bộ Tài chính) và website của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, được niêm yết công khai tại nơi có mặt bằng và trụ sở của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng.

Buổi đấu giá đã được tổ chức công khai vào ngày 28/8/2017. Đơn giá khởi điểm đấu giá được Sở Tài chính thẩm định (công văn số 1273/STC-GCS ngày 24/5/2017) trình UBND thành phố phê duyệt là 21.700 đồng/m2/tháng. Thời gian thuê mặt bằng thực hiện dịch vụ trông giữ xe là 03 năm. Toàn bộ số tiền đấu giá thu được chuyển vào ngân sách thành phố. Kết quả trúng đấu giá đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 155/QĐ-UBND ngày 11/01/2018..

Tuy nhiên, điều khiến ông Thái bất ngờ hơn cả khi thông tin đấu thầu hoàn toàn công khai, minh bạch nhưng lại không có doanh nghiệp, đơn vị nào tại địa phương tham gia dự thầu mà chỉ có một đơn vị tại Hải Phòng và hai đơn vị bạn tại Quảng Ninh...

Và từ thời điểm trúng thầu, bắt đầu thu phí và nộp ngân sách cho thành phố đến nay công ty Thái Lâm đã lỗ khoảng 4 tỷ bởi nhiều lý do nhưng lý do chủ yếu khiến ông Thái bức xúc: “Ban đầu trong phương án mời thầu công bố cho doanh nghiệp, các tuyến đường xung quanh các bãi đều cấm đỗ xe, tuy nhiên, khi đã tiến hành thu phí từ 3 tháng nay, giờ chính quyền mới bắt đầu xóa vạch cấm đỗ càng khiến dư luận hiểu nhầm rằng có lợi ích nhóm giữa doanh nghiệp và chính quyền để bắt dân gửi xe vào bãi nên bây giờ mọi tiếng xấu đổ lên đầu doanh nghiệp?”.

Thành phố chỉ cho thuê mặt bằng

Lý giải về các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương đấu giá cho thuê mặt bằng để thực hiện dịch vụ trông giữ xe tại các bãi đỗ xe tập trung, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND xác định ranh giới, diện tích và xây dựng phương án kẻ vạch đỗ xe tại 06 bãi đỗ xe tập trung tại công văn số 5103/SGTVT-QLKCHT ngày 20/10/2016.

Đối với xác định đơn giá cho thuê đất theo báo cáo số 40/BC-STNMT ngày 19/01/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường “06 khu đất làm bãi đỗ xe là đất công cộng, UBND thành phố có chủ trương cho thuê làm bãi đỗ xe nên không thuộc trường hợp cho thuê đất mà là cho thuê mặt bằng và giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất phương án khai thác sử dụng cho thuê mặt bằng để trông giữ xe cho phù hợp”, ngày 17/3/2017, UBND thành phố đã có công văn số 1908/UBND-QLĐTh giao “Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án giá thuê mặt bằng tại 06 vị trí bãi xe, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt trong tháng 3/2017”.

Căn cứ giá cho thuê mặt bằng để thực hiện dịch vụ trông giữ xe theo tính toán của Sở Tài chính là 21.700 đồng/m2/tháng (gồm chi phí sử dụng tạm thời lòng đường ngoài mục đích giao thông là 17.000 đồng/m2/tháng và chi phí khấu hao phần giá trị đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên 1m2 đất để tạo mặt bằng là 4.700 đồng/m2/tháng). Ngày 21/6/2017, UBND thành phố đã thống nhất phê duyệt Phương án trông giữ xe tại 06 bãi đỗ xe tập trung tại công văn số 4625/UBND-SGTVT và giao Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng (thuộc Sở Tư pháp Đà Nẵng) tổ chức lựa chọn đơn vị trông giữ xe tại 06 bãi đỗ xe tập trung.

Với những nội dung nêu trên của chính quyền TP Đà Nẵng khiến chính sách xã hội hóa trong đầu tư “dài hơi” tại các bãi giữ xe ở trung tâm thành phố khó lòng thực hiện khi thành phố chỉ cho doanh nghiệp thuê mặt bằng (không thuê đất) trong vòng 3 năm và không cho phép doanh nghiệp đầu tư hạ tầng (sân bãi, mái che, rào chắn...). Thực tế chứng minh khi hiện trạng bãi giữ xe tại khu vực đường 2/9 đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ voi”, phương tiện ra vào có nguy cơ sẵn sàng sụp xuống cống bất cứ lúc nào...

Một chủ trương đúng đắn, kịp thời như việc lập ra các bãi giữ xe để quản lý trật tự đô thị, giảm ùn tắc giao thông, chống thất thu ngân sách của chính quyền TP Đà Nẵng có thực hiện thành công hay không? Có nhận được sự đồng thuận của người dân? Tất cả còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức thực hiện của chính quyền Đà Nẵng để tạo niềm tin trong nhân dân và doanh nghiệp.

Hương Thu

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/chinh-quyen-da-nang-noi-gi-ve-cac-bai-giu-xe-128968.html