Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ

Theo luất sư, trách nhiệm liên quan tới phòng cháy chữa cháy theo luật định không chỉ thuộc cơ quan chức năng, đơn vị phòng cháy chữa cháy mà còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó có chính quyền địa phương.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như đã thông tin, cuối năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp New Horizon City (tại số 87 đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do đưa tòa nhà vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, vi phạm các quy định của pháp luật.

Ghi nhận thực tế, các hoạt động kinh doanh tại khu vực vi phạm vẫn diễn ra bình thường. Thông tin từ phía chính quyền cơ sở cũng hoàn toàn trái ngược với đại diện cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Động, quận Hoàng Mai Nguyễn Trường Thịnh khẳng định: Khi tổ công tác liên ngành kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy tại dự án công trình 87 Lĩnh Nam có yêu cầu xử lý đối với vi phạm là tổ chức cắt điện, nước ở khu vực khối đế và các cơ sở kinh doanh đến khi chủ đầu tư khắc phục những tồn tại sẽ cấp điện, nước trở lại.

Đến nay, UBND phường Mai Động vẫn chưa tiếp nhận bất kỳ văn bản nào của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan chức năng liên quan đến việc cắt điện, nước tại công trình 87 Lĩnh Nam, ông Nguyễn Trường Thịnh nói.

Có thể thấy rằng, việc “lệch” thông tin giữa cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và chính quyền địa phương cũng như tình hình thực tế tại dự án bị “điểm mặt, chỉ tên” như chung cư New Horizon City không phải là duy nhất trên địa bàn Hà Nội.

Trong số 31 chung cư chưa khắc phục xong các tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo thống kê của thành phố, không ít tòa nhà, việc xử lý vi phạm và chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng vẫn chưa được “rốt ráo” như quy định.

Trong khi đó, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV năm 2017, trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Những công trình tới đây vi phạm phòng cháy chữa cháy sẽ không được cấp điện, nước kể cả đang thi công và hoàn thiện. Giám đốc đơn vị nào ký hợp đồng bán điện, nước phải chịu trách nhiệm. Còn chủ đầu tư vi phạm chây ì không khắc phục sẽ không cho đầu tư, không cấp phép mới.

Ngoài ra, trong số 73 chủ đầu tư vi phạm chưa khắc phục, lãnh đạo UBND thành phố sẽ giao đơn vị Phòng cháy chữa cháy, cứ 15 ngày vào lập biên bản một lần. Nếu vi phạm trong thời gian dài, nhiều lần sẽ căn cứ Điều 240, Bộ Luật Hình sự chuyển cơ quan điều tra đối với những chủ đầu tư chây ì, không khắc phục vi phạm, ông Nguyễn Văn Sửu khẳng định.

Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng văn phòng luật sư Đa Phúc, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Trách nhiệm liên quan tới phòng cháy chữa cháy theo luật định không chỉ thuộc cơ quan chức năng, đơn vị phòng cháy chữa cháy mà còn là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó có chính quyền địa phương.

“Xử phạt nhưng vẫn tồn tại mà không khắc phục thì khi xảy ra cháy nổ hậu quả sẽ rất lớn. Với 31 công trình chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy đã xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục tái phạm mà không có biện pháp cứng rắn hơn sẽ gây ra rất nhiều hậu quả không mong muốn khác. Đây là lỗ hổng trong các quy định của pháp luật”, Luật sư Lê Ngọc Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cũng chỉ rõ: Để siết chặt quản lý, kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng, cần có chế tài đủ mạnh. Với tình trạng vi phạm này, không chỉ cần xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng.

"Nếu chủ đầu tư xây dựng dự án sai, đương nhiên phải phạt. Cơ quan quản lý để việc đó xảy ra cũng sai. Chúng ta cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm", ông Liêm nhấn mạnh.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201804/chinh-quyen-dia-phuong-phai-chiu-trach-nhiem-neu-de-xay-ra-chay-no-599778/