Chính quyền đô thị: Đề xuất lập hội đồng phản biện

Nhiều ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, mô hình chính quyền hiện nay giống như một chiếc áo chật được khoác lên một siêu đô thị, và đã đến lúc TP cần thay áo mới, tạo điều kiện cho mô hình chính quyền đô thị đi vào thực tiễn.

Nhiều đại biểu băn khoăn và đặt thẳng vấn đề: Người dân được lợi gì từ mô hình CQĐT?

TPHCM dự kiến lập bốn thành phố mới Người dân được lợi gì từ chính quyền đô thị? Mô hình chính quyền đô thị: Năng động, xử lý nhanh Chính quyền đô thị: Giống mô hình công ty mẹ - con

Tuy nhiên, mô hình này cần xây dựng như thế nào để phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời phải phục vụ sự phát triển bền vững và nhanh chóng của thành phố. Đó là băn khoăn của nhiều ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM tại hội nghị góp ý Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) TP.HCM do Ủy ban MTTQ TP tổ chức vào ngày 15/8.

Một địa chỉ chịu trách nhiệm

Tại hội nghị, ông Trương Văn Lắm, GĐ Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện nay địa bàn hành chính của TP có ba cấp là cấp TP.HCM trực thuộc Trung ương; cấp quận, huyện và cấp cuối cùng là phường, xã, thị trấn. Mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) mà TP.HCM đề xuất là mô hình hai cấp: cấp chính quyền TP.HCM và cấp chính quyền cơ sở ở 4 TP trực thuộc, và ở các xã, thị trấn.

Các khu vực hành chính khác, như cấp quận, huyện, phường thì không tổ chức thành cấp chính quyền đầy đủ - nghĩa là không có HĐND, chỉ có UB hành chính và UB hành chính này đại diện cho chính quyền cấp trên để thực thi nhiệm vụ tại khu vực hành chính đó.

“Ví dụ, UBND TP.HCM là cấp chính quyền trực thuộc Trung ương do HĐND TP bầu và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Còn UBND ở bốn TP vệ tinh thì do HĐND ở bốn TP đó bầu, nhưng do chủ tịch UBND TP phê chuẩn. Tương tự như vậy, ở cấp xã, thị trấn thì HĐND bầu ra UBND”, ông Lắm cho biết.

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM

Cũng theo ông Lắm, đặc thù của 13 quận nội thành là một đô thị có chung kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật, phúc lợi, và có phạm vi lớn với quy mô dân số khoảng 4 triệu người. Chính vì vậy, tại đây vẫn còn có khu vực hành chính ở cấp quận và phường, chính là các UB hành chính, và UB hành chính này do chủ tịch UBND TP bổ nhiệm. Việc ủy quyền này sẽ được phân định rõ để tránh tình trạng “ủy quyền của ủy quyền”.

Tức là chủ tịch UBND TP sẽ ủy quyền cho chủ tịch UB hành chính cấp quận những nhiệm vụ, công việc gì, và tương tự như vậy với chủ tịch UB hành chính cấp phường. Không có việc ủy quyền cho chủ tịch UB hành chính cấp quận rồi cấp quận ủy quyền cho chủ tịch UB hành chính cấp phường.

“Do đó, khi cần giải quyết công việc thì người dân sẽ đến cơ quan hành chính nơi được phân công giao nhiệm vụ và chỉ có một cửa đó thôi. Nghĩa là có một đơn vị, cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm này”, ông Lắm nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo mô hình CQĐT thì hệ thống chính trị về nguyên tắc sẽ tuân thủ theo điều lệ Đảng, mà điều lệ Đảng đã xác định, nơi nào có chính quyền thì nơi đó phải có tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể phải đảm bảo đúng theo điều lệ của các tổ chức đoàn thể của MTTQ…

“Con người là yếu tố quyết định”

Cho rằng con người là yếu tố quyết định “thành - bại” của đề án thí điểm mô hình CQĐT, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP “đúc kết”: “Con người là yếu tố quyết định, mô hình có đẹp đến đâu, hay tới đâu mà con người vô cảm, tham nhũng, không có nụ cười với nhân dân thì khó thành chính quyền đô thị của dân do dân vì dân. Do đó, khâu này cần chuẩn bị tốt hơn”.

Cũng băn khoăn về vấn đề con người, ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, đề án nói về nhân sự còn rải rác, không tập trung, nên chăng có một đề án nhân sự. Bởi vì nếu thực hiện CQĐT, bộ máy hành chính sẽ tinh gọn lại, dẫn đến dôi dư, cần có phương án giải quyết. “Đặc biệt, cán bộ công chức nhà nước hiện nay là 4 cấp, nếu sắp tới chỉ có 2 cấp thì năng lực cán bộ công chức phải cao hơn”, ông Hải đặt vấn đề.

Đồng tình với việc phải xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với siêu đô thị và thừa nhận mô hình CQĐT do TP.HCM đề ra sẽ giải quyết công việc hiệu quả, quy trách nhiệm cá nhân dễ dàng, nhưng GS-BS Trần Đông A cho rằng, mô hình cũng này tiềm ẩn không ít sai lầm trong mỗi quyết định được đưa ra. “Do đó, quy trình bổ nhiệm, bầu người đứng đầu phải thật chặt chẽ và cơ chế giám sát kiểm tra cần phải quy định rõ để giới hạn mặt yếu của mô hình này”, GS Đông A nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu cho rằng, Hiến pháp phải mở đường thì mới có cơ sở pháp lý căn cơ nhất để thực hiện thí điểm CQĐT. Do đó, cần phải kiến nghị mạnh hơn để hiến pháp mở đường cho chính quyền đô thị TP.

Theo ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP HCM, hiện nay có tình trạng cùng một việc rất nhiều cơ quan quản lí, nhưng khi có vấn đề thì chẳng có ai tự đứng ra chịu trách nhiệm. Chính bộ máy cồng kềnh ấy tạo môi trường cho bệnh tham nhũng. “Cho nên, việc xây dựng mô hình CQĐT phải phối hợp, đi kèm và chú trọng cải cách hành chính. Nếu không, dù có xây dựng chính quyền mới 2 cấp thì mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đấy”, ông Khiêm nói.

Cần có hội đồng phản biện

Đưa ra một thực tế “khó” là việc thí điểm đề án CQĐT sẽ “đụng” tới 102 văn bản quy phạm pháp luật, 81 bộ luật, Hiến pháp và 21 pháp lệnh cùng một khối lượng đồ sộ các văn bản hướng dẫn thi hành nó có liên quan, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM Phạm Văn Hải cho rằng, nếu chỉ có một nghị quyết của Quốc hội thì không thể đề cập hết được những vấn đề có liên quan.

“Với một nghị quyết của Quốc hội, tôi cho rằng khó có thể chuyển tải hết để có căn cứ pháp luật cho việc thực hiện công tác hành chính. Như vậy, đây là thẩm quyền của Trung ương mà theo đề xuất thì chúng ta bắt đầu thực hiện từ năm 2015, cần giải quyết vấn đề này thế nào?”, ông Hải băn khoăn.

Nhiều đại biểu băn khoăn và đặt thẳng vấn đề: Người dân được lợi gì từ mô hình CQĐT?

So sánh giữa mô hình quản lý hiện tại và mô hình CQĐT mà TP.HCM đề xuất, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM, đề nghị Ban soạn thảo đề án đưa ra các luận chứng cụ thể để chứng minh mô hình chính quyền “đô thị đặc biệt” có hiệu quả hơn mô hình hiện nay ở những mặt nào. Ví dụ: tổng số công chức ăn lương tăng hay giảm, bỏ HĐND cấp quận huyện thì việc nắm ý nguyện của nhân dân có dễ hơn không, nhân dân sẽ cảm thấy gần chính quyền TP hơn hay xa hơn…

Ở một góc độ khác, GS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật TP, cho rằng việc thành lập bốn TP Đông – Tây – Nam – Bắc bằng cách sáp nhập một số địa danh quận, huyện… sẽ làm mất đi các địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh dân tộc như: Hóc Môn, Thủ Đức. Thêm vào đó, theo GS Ngọc Giao, mô hình CQĐT mà TP đề xuất chỉ nói nặng về tổ chức chính quyền, mà chưa thấy trong mô hình mới này người dân tiện lợi cái gì, dễ dàng hơn trong sinh hoạt hằng ngày không.

“Ví dụ cần giấy tờ gì có như lâu nay người dân phải chạy chỗ này chỗ kia theo kiểu ‘hành dân là chính’ không. Ý tưởng thì nhất trí, nhưng cần phải nói kĩ hơn trong mô hình mới người dân sinh hoạt, giấy tờ ra sao. Dự thảo đề án hiện nay chưa đề cập vấn đề này. Do đó, trước khi thông qua chính thức nên có phản biện sâu hơn, bằng cách thành lập các hội đồng phản biện để có ý kiến cụ thể lên lãnh đạo TP trước khi thông qua”, GS Ngọc Giao đề xuất.

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/chinh-quyen-do-thi-de-xuat-lap-hoi-dong-phan-bien-c4a111022.html