Chính quyền đô thị: Thành bại là ở con người

Mô hình chính quyền đô thị sẽ nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại...

Sáng 15-8, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM.

Hợp lòng dân

GS-BS Trần Đông A nhận định mô hình chính quyền đô thị chỉ còn 2 cấp sẽ giảm bớt các nấc trung gian giữa dân và chính quyền. Các bộ phận giải quyết công vụ sẽ gần dân hơn, chuyên nghiệp hơn; giảm thời gian làm thủ tục hành chính, từ đó giảm chi phí, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung.

Đồng tình, ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP HCM, nói nên triển khai thực hiện bởi hợp với nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, để đề án hoàn thiện, hiệu quả, ông Khiêm kiến nghị việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị phải phối hợp, đi kèm với cải cách hành chính. “Mô hình chính quyền đô thị không chỉ chăm chăm vào việc xây dựng UBND mà còn các cơ quan chức năng tham mưu là các sở, ban, ngành.

Ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP HCM:
“Đề án rất hay, nên triển khai thực hiện bởi hợp với nguyện vọng của nhân dân”

Có một thực tế đã tồn tại rất lâu trong bộ máy chính quyền của ta, đó là một việc nhưng nhiều cơ quan quản lý, khi có sự cố xảy ra thì đùn đẩy trách nhiệm. Chính bộ máy quản lý cồng kềnh, không hiệu quả đã tạo môi trường cho tham nhũng phát sinh” - ông Khiêm nêu.

Nguyên đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa đồng ý về ý tưởng nhưng đề nghị phải nghiên cứu kỹ hơn trong mô hình mới này, người dân sinh sống, sử dụng giấy tờ sao cho tiện lợi.

Thời điểm phù hợp

Song song với việc tổ chức lại bộ máy tổ chức hành chính, nhiều đại biểu khẳng định con người mới là yếu tố quyết định sự thành bại của đề án. “Nếu chúng ta vẫn dùng những người vô cảm, tham nhũng, lợi ích nhóm... thì mô hình khó thành công. Tôi mong rằng Thành ủy TP HCM cần có những đảng viên là những viên ngọc sáng để quản lý bộ máy chính quyền mới” - ông Đặng Văn Khoa nói.

Ông Khoa cũng đề nghị giảm tỉ lệ đại biểu là cán bộ cơ quan hành chính, quản lý nhà nước; tăng số lượng và thời gian mỗi kỳ họp HĐND, tăng cường giám sát, chất vất của tổ đại biểu HĐND. “Cả về lý luận và thực tiễn cho thấy TP HCM cần có một mô hình quản lý phù hợp để có thể phát triển nhanh, bền vững. Đây là thời điểm thích hợp” - ông Khoa nhìn nhận.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu còn băn khoăn về việc cơ quan hành chính “bàn tay nối dài” về mặt tổ chức Đảng, đoàn thể trong mô hình chính quyền đô thị mới sẽ được tổ chức như thế nào? “Các cơ quan chức năng, mặt trận tổ chức nơi không có chính quyền sẽ được quản lý ra sao, hoạt động như thế nào? Tổ chức bộ máy chính quyền mới phải phù hợp với thể chế chính trị, đoàn thể ra sao?” - Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM, đặt vấn đề.

Phải giữ được địa danh lịch sử

Theo dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP HCM, chính quyền đô thị TP HCM xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, được tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt, có 2 cấp là chính quyền TP và chính quyền cấp cơ sở. Ở cấp chính quyền cơ sở sẽ gồm 4 đô thị thành lập mới và các xã, thị trấn còn lại. Bốn đô thị này tạm thời gọi là TP Đông, Nam, Tây, Bắc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc đặt tên là Đông, Nam, Tây, Bắc bằng cách sáp nhập một số địa danh quận, huyện là không nên. “Việc sáp nhập như vậy sẽ làm mất địa danh lịch sử” - GS Nguyễn Ngọc Giao kiến nghị.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20130815115140779p0c1002/chinh-quyen-do-thi-thanh-bai-la-o-con-nguoi.htm