Chính sách an sinh xã hội: Đảm bảo hỗ trợ kịp thời, phù hợp

Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào DTTS bằng các chính sách an sinh xã hội là chính sách được Đảng và Nhà nước ta triển khai thường xuyên. Đây cũng là yếu tố căn bản góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội.

Chính sách xã hội - mục tiêu, động lực để phát triển

Xác định thực hiện các chính sách an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ nêu rõ một số vấn đề về chính sách xã hội cần thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2020.

Hỗ trợ khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo

Bên cạnh chính sách ưu đãi người có công, Nghị quyết đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, tập trung vào các mục tiêu như: Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.

Thực tế, vào thời điểm năm 2012, những vấn đề nêu ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đều là những vấn đề đang còn nhiều hạn chế với đồng bào vùng DTTS. Trong đó, đại đa số người DTTS làm nông nghiệp, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương lên tới hơn 80%. Hầu hết người dân, nhất là những người làm nông nghiệp chưa từng nghe nói đến bảo hiểm y tế. Nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống lay lắt do không được hỗ trợ sinh kế bền vững. Đây đó, trên các thôn, bản vùng núi cao, vùng ven biển và hải đảo, không khó để gặp được những gia đình sống trong nhà tạm, nước sạch không có, xa lạ với các dịch vụ y tế, con cái bỏ học giữa chừng. Cả thôn, bản mấy chục nóc nhà không có lấy một cái đài cát sét hay tivi… để theo dõi thông tin. Để giải quyết những tồn tại này, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào DTTS.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, từ năm 2012, rất nhiều chính sách an sinh xã hội đã được triển khai. Trong đó phải kể đến các chính sách: Giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác gia đình và bình đẳng giới.

Tại cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đặt ra. Trong đó, về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, bình quân hằng năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người và đưa trên 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Rất đông đồng bào DTTS đã tỏa đi các nước làm việc theo hình thức xuất khẩu lao động, cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình. Đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm y tế của cả nước đạt trên 85,3 triệu người, chiếm 90% dân số, cơ bản đã bao phủ toàn dân, vượt trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết. Đáng ghi nhận là đến nay, nhiều địa phương vùng DTTS đã có hơn 90% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Diện bao phủ của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hỗ trợ người yếu thế trong xã hội ngày càng được mở rộng.

Hiệu quả của chính sách an sinh xã hội đã thấy rõ. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia vẫn còn chưa đạt ở nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi.

Nhằm khắc phục những hạn chế này, chỉ đạo tại cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Thời gian tới, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đánh giá các chính sách trên từng lĩnh vực để có cơ sở đề xuất, bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế chính sách mới phù hợp. Hoạt động trợ giúp xã hội phải chú trọng tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của người dân và cộng đồng sau thiên tai, thảm họa với tinh thần bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lĩnh vực nông nghiệp, lao động phi chính thức.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-dam-bao-ho-tro-kip-thoi-phu-hop-135021.html