Chính sách bảo hiểm xã hội quan tâm đến người yếu thế

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả leo thang… trong thời gian qua, Chính phủ và ngành BHXH, LĐ-TB&XH… đã nỗ lực hỗ trợ người lao động, người hưởng lương hưu có thu nhập thấp với phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Cán bộ BHXH huyện Đà Bắc tuyên truyền cho người dân chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Vừa đi lĩnh lương về, bà Trần Thị Thoa ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong) chia sẻ: Kỳ này lương được tăng thêm mỗi tháng hơn 300 nghìn đồng. Tôi về hưu đã 15 năm, sau vài lần được điều chỉnh tăng, mức lương hưu hiện hưởng gần 5 triệu đồng/tháng. Tôi sống một mình nên tiết kiệm chi tiêu, lương hưu cơ bản đảm bảo cuộc sống, duy trì sức khỏe, không để bị bệnh, tốn chi phí điều trị sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Từng công tác trong cơ quan Nhà nước, tôi thấu hiểu tình hình dịch bệnh hiện nay nên việc tăng lương hưu, trợ cấp xã hội là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, BHXH.

Ông Nguyễn Văn Điều ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho biết: Tôi nghỉ hưu từ năm 1991, lương hiện chỉ hơn 4 triệu đồng. Vợ tôi là lao động tự do nên không có lương. Với mức lương này hai vợ chồng tôi phải đi làm thêm trang trải cuộc sống. Trong 2 năm gần đây, do tình hình dịch bệnh nên công việc làm thêm và nguồn thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhiều khoản chi tiêu bị cắt giảm. Dịp Tết vừa rồi được nhận 2 tháng lương, lại được thêm khoản tăng lương cũng giúp gia đình có thêm khoản sắm Tết được tươm tất hơn.

Đây là hai trong hàng nghìn người trong tỉnh được hưởng tăng lương theo Nghị định số 108 của Chính phủ. Theo đó, người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng được tăng lên 7,4% so với tháng 12/2021. Mức tăng này áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đối với, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP, ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ, Quyết định số 111-HĐBT, ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg, ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg… Các đối tượng nêu trên sau khi điều chỉnh vẫn có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì được tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm "không ai bị bỏ lại phía sau”, Thông tư số 36/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 31/12/2021 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH có hiệu lực từ ngày 20/2/2022 áp dụng từ ngày 1/1/2022 và thay thế Thông tư số 23/2020/TT-BLĐTBXH. Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau: Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Điều chỉnh tăng từ 0,02 - 0,09 trong giai đoạn từ trước năm 1995 đến nay. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo khi nghỉ hưu, hệ số lương đáp ứng được giá cả thị trường.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/307/162957/chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-quan-tam-den-nguoi-yeu-the.htm