Chính sách cần cụ thể và thật sự đột phá

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong phiên họp chiều qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng: điện ảnh không chỉ là một ngành văn hóa - nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Các đại biểu cũng đề nghị, các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh cần cụ thể hơn, bảo đảm tính đột phá.

Chính sách còn chung chung

Thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn và thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã sửa đổi toàn diện. Trong đó, quy định 4 nhóm chính sách: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

Ảnh: Quang Khánh

Kinh nghiệm các quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới cũng cho thấy, công cụ hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất phim trong nước, thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến làm phim tại quốc gia hoặc tại địa phương là các cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (Điều 42 dự thảo Luật). Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, dự thảo Luật cần quan tâm hơn tới cơ chế, chính sách ưu đãi nêu trên vì điều này sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, các ngành dịch vụ có liên quan, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu thực tế, trong quy trình làm phim hiện đại, nhiều đạo diễn, nhà làm phim vừa sản xuất phim, vừa sáng tạo ngẫu hứng trên bối cảnh thực địa. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc quy định nhà sản xuất phim nước ngoài phải cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tại điểm b, khoản 2, Điều 14 dự thảo Luật và chỉ nên quy định cấp Giấy phép phân loại phim đối với phim do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ (điểm c, khoản 1, Điều 28 dự thảo Luật).

ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) đề nghị, các quy định về chính sách phát triển điện ảnh nên tập trung vào các nhóm chính sách về tài chính; thúc đẩy phát hành, phổ biến và quảng bá phim thông qua quy định về tăng tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại rạp chiếu phim, nơi chiếu phim công cộng và trên không gian mạng, đáp ứng xu hướng giải trí trực tuyến hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách về thuế, tín dụng, bảo hiểm đối với sản phẩm điện ảnh.

Nhà nước tạo hành lang pháp lý và cơ hội bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp điện ảnh. Nhấn mạnh và đề nghị quan điểm này cần được thể hiện xuyên suốt trong dự thảo Luật, các ĐBQH cũng nêu rõ, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chính sách của Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh cần có trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo đảm hiệu quả. Đồng thời, có giải pháp ràng buộc pháp lý để bảo đảm tính khả thi khi triển khai các chính sách trong thực tiễn.

Chính sách dù hay đến đâu, nhưng nếu không cụ thể và không bảo đảm tính khả thi thì sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì thế, các đại biểu có cơ sở lý luận và thực tiễn khi đề nghị, các quy định về chính sách của Nhà nước với phát triển điện ảnh trong dự thảo cần cụ thể và khả thi. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý thực sự đột phá để thúc đẩy phát triển điện ảnh nước nhà không chỉ là một ngành văn hóa - nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao như mục tiêu và kỳ vọng đặt ra với việc sửa đổi Luật lần này.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-can-cu-the-va-that-su-dot-pha-jljpxftiss-65354