Chính sách châu Á bên bờ sụp đổ, ông Trump tìm về 'bạn cũ' Abe

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump sẽ tăng cường vị thế của Tokyo trong chiến lược châu Á của Washington. Đó sẽ là thắng lợi cho chiến lược dài hơi của Thủ tướng Abe.

Chiến lược của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giờ đây đang phát huy tác dụng. Một năm trước, Thủ tướng Abe giống như “người thừa” khi Tổng thống Donald Trump bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Chính sách cứng rắn của Thủ tướng Abe với Triều Tiên và mối quan hệ đầy chông gai với Trung Quốc đã khiến ông gần như bị Washington “bỏ rơi” trong chính sách của họ ở châu Á.

CNN nhận định giờ đây, mọi thứ đã khác, Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Nhật Bản trong 3 ngày, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng minh để đối trọng với Trung Quốc, khi chiến tranh thương mại ngày càng leo thang và những thách thức mới từ Triều Tiên.

Mối quan hệ thân thiết, nhưng một chiều

Trong phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, Thủ tướng Abe dường như là người bạn quá thân thiết. Ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump ngay sau cuộc bầu cử. Thủ tướng Abe bay tới New York, đến tháp Trump để nói chuyện với ông Trump từ trước khi lễ nhậm chức diễn ra.

Thủ tướng Abe (phải) được đánh giá là lãnh đạo nước ngoài thân thiết nhất với Tổng thống Trump. Ảnh: CNN.

Theo hồ sơ của Nhà Trắng, kể từ đó, hai nhà lãnh đạo đã gọi điện cho nhau tới 20 lần, gặp gỡ trực tiếp ở Mỹ và Nhật Bản. Họ chơi golf cùng nhau ở Florida và Saitama. Họ còn công khai chúc mừng nhau về chiến thắng trong các cuộc bầu cử.

Dù có một số bất đồng, họ đã có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách. Thủ tướng Abe là người có quan điểm cứng rắn nhất trong các lãnh đạo châu Á về vấn đề Triều Tiên. Ban đầu, quan điểm này phù hợp với chính sách áp lực tối đa của Washington, sau khi Tổng thống Trump gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là “gã tên lửa”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó đã đổi hướng chuyển sang đàm phán với nhà lãnh đạo Kim. Một số quan chức ở Tokyo thậm chí còn rời bỏ quan điểm của Thủ tướng Abe để tìm kiếm một cuộc đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Về thương mại, lúc mới nhậm chức, Tổng thống Trump đối xử với Nhật Bản bằng "sự thù địch" và quan điểm rằng Washington bị lợi dụng. Thậm chí vào năm ngoái, Tổng thống Trump còn phàn nàn rằng Nhật Bản đã “đánh chúng tôi rất mạnh vào thương mại trong nhiều năm”.

Chuyến đi quan trọng

Quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên, 2 trụ cột trong chính sách châu Á của Tổng thống Trump đang chao đảo và có nguy cơ sụp đổ. Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Trump là cơ hội không thể tốt hơn cho Thủ tướng Abe.

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mở rộng nhanh chóng hơn dự kiến, tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, gồm những công ty ủng hộ Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cùng 2 đệ nhất phu nhân và 2 vị khách trong một bữa tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Ảnh: AFP/Getty.

“Tổng thống Mỹ nợ nông dân như tôi một số kế hoạch hành động. Nông dân là cơ sở của ông ấy. Họ đã bầu ông ấy làm tổng thống và giờ đây ông ấy quay lưng với nông dân Mỹ khi chúng tôi cần ông ấy nhất”, John Wesley Boyd Jr, một nông dân trồng đậu nành ở Baskerville, Virginia, nói với CNN.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ đạt được một số trợ giúp về thương mại. Tháng trước, hai nước đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên hướng đến một hiệp định thương mại.

Trong khi Tổng thống Trump liên tục nói về thâm hụt thương mại với Nhật Bản, khoảng 67,7 tỷ USD vào năm 2018, các cố vấn thúc giục ông giảm thuế đối với các đồng minh chủ chốt và tập trung đối phó Trung Quốc.

Một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản sẽ là cứu cánh cho người tiêu dùng và nông dân Mỹ. Điều đó có thể là một thắng lợi lớn cho Tổng thống Trump và sẽ giúp Washington duy trì áp lực với Bắc Kinh.

Tăng cường hỗ trợ quân sự

Tổng thống Trump có thể cần tới sự hỗ trợ quân sự của Nhật Bản về các vấn đề an ninh và không chỉ với Triều Tiên.

Dưới thời Tổng thống Moon Jae In, Hàn Quốc muốn thúc đẩy mối quan hệ liên Triều và khó có thể quay lại vị trí gây áp lực tối đa với Bình Nhưỡng, nếu các cuộc đàm phán thất bại. Điều đó khiến Nhật Bản trở thành đồng minh quan trọng hơn trong khu vực châu Á.

Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Những năm gần đây, Nhật Bản bắt đầu bàn về việc sửa lại Hiến pháp Hòa bình, cho phép nước này hỗ trợ quân sự đối với Mỹ. Tokyo cũng tăng chi tiêu quốc phòng, bao gồm thỏa thuận mua vũ khí lớn với các công ty Mỹ.

“Một Mỹ - Nhật thống nhất về Triều Tiên sẽ tăng áp lực lên nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Trung Quốc. Nhật Bản sẽ là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 21”, Paul Sracic, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nói với CNN.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với áp lực quân sự từ Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong tháng 4, Nhật Bản đã điều động máy bay ngăn chặn máy bay ném bom Trung Quốc bay qua giữa quần đảo Okinawa và Miyako.

Tokyo tìm đến Washington để hỗ trợ chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông. Ngược lại, Tokyo đã đề nghị họ có thể cùng với một số quốc gia khác tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi Mỹ đang làm như vậy bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Trong chuyến công du Nhật Bản, Tổng thống Trump sẽ trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Nhật hoàng Naruhito, người vừa đăng cơ vào ngày 1/5.

Sau nhiều năm là quân cờ nhỏ trong chiến lược châu Á của Tổng thống Trump, sự tập trung của Thủ tướng Abe vào mối quan hệ với tổng thống Mỹ cuối cùng có thể được đền đáp. Triều đại mới Reiwa, bắt đầu hôm 1/5, có thể báo hiệu mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Tokyo và Washington.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chinh-sach-chau-a-ben-bo-sup-do-ong-trump-tim-ve-ban-cu-abe-post949583.html