Chính sách công nghiệp hóa Việt Nam cho giai đoạn mới: Quyết định vẫn là nội lực

Khắc phục những hạn chế trong giai đoạn vừa qua và để đối phó với những thách thức mới, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu mới tránh được hiện tượng chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm.

Bài 1: Công nghiệp hóa chưa tận dụng được nhiều lợi thế

Bài 2: Thách thức của trào lưu công nghiệp hóa

Bài 3: Nỗ lực nhưng thiếu yếu tố nội lực vững chắc

Bài 4: Nhiều giải pháp cho một mục tiêu

Bài 5: Hướng đi để thành công
Đừng thấy khó khăn mà bỏ qua lợi thế
Với một lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu mới tránh được hiện tượng bước vào thời đại hậu công nghiệp quá sớm.
Về diện rộng, hai lãnh vực cần chú trọng là các loại máy móc như xe hơi, xe máy, máy in, máy công cụ, computer, camera.. và công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông thủy sản mà Việt Nam có nguồn cung cấp phong phú. Về các loại máy móc, nhu cầu thế giới ngày càng lớn và các công ty đa quốc gia đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam. Trên chuỗi cung ứng toàn cầu và tại khu vực Á châu, hiện nay, chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam mới ở dạng thấp hoặc trung bình. Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để DN FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Đó là kết quả của chuyến đi điều tra thực tế của tôi tại các khu công nghiệp ở Việt Nam vào tháng 8 năm 2016. Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn sản xuất máy in, xe máy, xe hơi... để biết cần có chính sách gì để khuyến khích họ mở rộng và nâng cao diện sản xuất tại Việt Nam.

Sản xuất các sản phẩm từ thép tại Công ty Cơ khí Tâm Hợp, Sóc Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Về công nghiệp thực phẩm, nhu cầu thực phẩm chất lượng cao trên thị trường thế giới đang và sẽ tăng. Chỉ riêng ở Á châu đã có khoảng 500 triệu dân có thu nhập 5.000 USD trở lên, tạo ra thị trường rất lớn về thực phẩm chất lượng cao, nhất là thực phẩm và nước uống bảo đảm an toàn vệ sinh. Việt Nam cần liên kết với các công ty uy tín ở nước ngoài về phương diện này để du nhập công nghệ chế biến, kỹ thuật quản lý, bảo quản và chuyên chở. Đây cũng là lãnh vực quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn.
Việc thâm sâu (deepening) quá trình công nghiệp hóa cũng quan trọng. Đây là việc mở rộng sản xuất hàng công nghiệp theo chiều dọc, xuất phát từ sản phẩm lắp ráp, chế biến tiến sâu vào sản phẩm trung gian để tăng giá trị tính thêm và tạo thêm công ăn việc làm. Như hình 5 cho thấy, Việt Nam cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới về các ngành may mặc và sản phẩm điện tử nhưng đồng thời ngày càng nhập siêu vải, sợi và linh kiện điện tử là những sản phẩm trung gian của các mặt hàng xuất khẩu đó. Xúc tiến thay thế nhập khẩu các mặt hàng trung gian này sẽ làm thâm sâu quá trình công nghiệp hóa.
Ngoài ra, nếu môi trường đầu tư thông thoáng, DN trong và ngoài nước sẽ phát hiện nhiều lãnh vực có tiềm năng khác. Cùng với đó, cần ưu tiên củng cố nội lực. Cụ thể là tăng năng lực quản trị Nhà nước và xây dựng tư bản dân tộc ngày càng vững mạnh. Mũi đột phá là cải cách hành chính là cơ chế tuyển chọn đội ngũ quan chức, hoàn thiện các thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động. Đây cũng là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình thấp. Để tư bản dân tộc phát triển, DN Nhà nước và DN tư nhân phải được bình đẳng trong việc tiếp cận vốn và các nguồn lực khác, và được khuyến khích nỗ lực trở thành những thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
Nhà nước cũng phải quan tâm tạo điều kiện cho DN Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng. Chính sách bây giờ không phải chỉ tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động của DN mà còn phải đi xa hơn, năng động hơn trong việc làm cho tư bản dân tộc cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Điều này đòi hỏi quan chức ở các bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT phải dốc sức nghiên cứu, thường xuyên theo dõi biến động của thị trường và công nghệ thế giới, nghiên cứu kinh nghiệm các nước và nhanh chóng đưa ra các chính sách phù hợp và kịp thời.
Những chiến lược lâu dài
Song song với việc mở cửa thị trường trong các cam kết về tự do mậu dịch, đã đến lúc phải có chiến lược nuôi dưỡng các ngành công nghiệp có tiềm năng. Thay đổi chiến lược tiếp nhận FDI và tiếp cận với công nghệ của thế giới. Cụ thể, chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, chuyển dịch sản phẩm lên cao hơn trên chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp chủ đạo. Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với DN bản xứ và ưu tiên kêu gọi FDI từ những công ty có uy tín trên thế giới về thanh danh, về công nghệ. Những công ty đó cũng đã xác lập văn hóa kinh doanh và luôn giữ thanh danh của mình để bảo vệ môi trường và tuân thủ luật pháp của nước họ đến đầu tư. Đối với DN trong nước, cả quốc doanh và tư nhân, cần khuyến khích tiếp thu nhiều hơn công nghệ qua hợp đồng để đổi mới công nghệ nhưng đi kèm với cơ chế kiểm tra trách nhiệm của DN Nhà nước để tránh lãng phí.
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi. Cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt, đáp ứng với nhu cầu trong trào lưu công nghệ mới, và về lâu dài có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường, của công nghệ. Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ những đại học, kể cả đại học tư, có khả năng đáp ứng nhu cầu mới đó.
Chủ trương công nghiệp hóa hiện đại hóa đưa ra vào giữa thập niên 1990 là đúng đắn. Quá trình công nghiệp hóa 20 năm sau đó cũng đã tiến triển một bước đáng kể. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa cả diện rộng và bề sâu mới tránh được hiện tượng chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm. Mặt khác cần củng cố nội lực, nuôi dưỡng tư bản dân tộc và quan tâm chọn lựa FDI theo hướng chỉ khuyến khích những dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và trong những lĩnh vực mà DN trong nước chưa có khả năng sản xuất. Thực tế đã chứng minh, trong quá trình công nghiệp hóa, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực có vai trò quyết định.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chinh-sach-cong-nghiep-hoa-viet-nam-cho-giai-doan-moi-quyet-dinh-van-la-noi-luc-279978.html