Chính sách của ông Trump nếu tái đắc cử tổng thống Mỹ

Dù một số nội dung cho thấy chương trình nghị sự của cựu Tổng thống Donald Trump báo hiệu sự tiếp nối nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng không ít chính sách - đặc biệt về thương mại - gây bất ngờ lớn...

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg

Với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề kinh tế là một điểm yếu của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Theo hãng tin Bloomberg, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ tin tưởng rằng ông Trump sẽ giải quyết các thách thức kinh tế tốt hơn vị Tổng thống đương nhiệm.

Một cuộc khảo sát của Bloomberg News và công ty tình báo toàn cầu Morning Consult hồi tháng 12 cho thấy cử tri tại 7 bang "chiến địa” thấy tin tưởng hơn vào khả năng của ông Trump trong xử lý nhiều vấn đề liên quan tới túi tiền của người dân, bao gồm nhà ở, lãi suất, lạm phát, bên cạnh vấn đề cân bằng ngân sách quốc gia. “Bang chiến địa” là những bang có cử tri dao động, dẫn tới kết quả bầu cử khó lường và có thể chi phối kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo ông Stephen Moore, một cố vấn phi chính thức của ông Trump, và các cộng sự tại tổ chức nghiên cứu chiến lược độc lập Heritage Foundation, lạm phát và tình trạng của giới trung lưu sẽ là “đòn tấn công” chính của ông Trump nhằm vào ông Biden trong cuộc tranh cử năm 2024. Các cố vấn về vấn đề kinh tế của ông Trump bao gồm ông Larry Kudlow, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ (NEC) và ông Kevin Hassett, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế.

Dù một số nội dung cho thấy chương trình nghị sự của ông Trump báo hiệu sự tiếp nối nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng không ít nội dung - đặc biệt về thương mại – gây bất ngờ lớn. Dưới đây là một số quan điểm chính sách quan trọng của ông Trump khi ra tranh cử tổng thống năm nay.

CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

Trong lần tranh cử này, ông Trump nhấn mạnh sẽ tiếp tục chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” của mình, trong đó có kế hoạch áp đặt thuế 10% với hàng nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ. Kế hoạch này được dự báo sẽ gây ra một làn sóng gián đoạn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Động thái này sẽ gây áp lực buộc các đồng minh của Mỹ – bao bao gồm Canada, Mexico và thậm chí cả Nhật Bản – ngồi vào bàn đàm phán. Đây là chiến thuật ông Trump thường dùng trong nhiệm kỳ trước của ông.

CHÍNH SÁCH TRUNG QUỐC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ôngTrump tại Bắc Kinh năm 2017 - Ảnh: Bloomberg

Ngoài thuế quan, ông Trump cũng sẽ thúc đẩy một cuộc phân ly giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với các biện pháp như chấm dứt trạng thái Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN) dành cho Trung Quốc. MFN là một nguyên tắc cơ bản của Hiệp định chung về Mậu dịch và Thuế quan (GATT), trong đó yêu cầu các bên tham gia trong quan hệ kinh tế - thương mại phải dành cho nhau những điều kiện ưu đãi không kém hơn những điều kiện ưu đãi mà mình dành cho những nước khác. Từ đó, Mỹ sẽ tăng thuế và thiết lập một số rào cản thương mại khác với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng có thể sẽ áp đặt thêm các hạn chế về đầu tư và dòng vốn từ Mỹ vào Trung Quốc.

Trên thực tế, đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy Quốc hội Mỹ ủng hộ chương trình nghị sự thương mại theo quan điểm “diều hâu” này của ông Trump. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, một nhóm nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng đã khuyến nghị tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Trung Quốc và hạn chế hơn nữa hoạt động đầu tư vào quốc gia châu Á.

CHÍNH SÁCH THUẾ

Ông Trump cũng có kế hoạch áp dụng vĩnh viễn chương trình giảm thuế thu nhập cá nhân mà ông ban hành trong nhiệm kỳ của mình. Dự kiến hết hạn vào năm 2025, chương trình này chủ yếu làm lợi cho các hộ gia đình giàu có, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu bất động sản.

Với doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ trước, chính quyền của ông Trump và Quốc hội đã quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Nguồn tin thân cận với chương trình nghị sự của ông Trump cho biết với tư cách là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và muốn giành sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu và lao động, ông Trump sẽ không tìm cách hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 15% như mục tiêu đặt ra hồi đầu nhiệm kỳ của mình nữa.

CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ

Nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump có thể sẽ ban hành một loạt sắc lệnh hạn chế người nhập cư. Trong đó, dự kiến sẽ có sắc lệnh chấm dứt chế độ tự động cấp quyền công dân cho con cái của người nhập cư sinh ra tại Mỹ, dù sắc lệnh này có thể đối mặt nhiều rào cản pháp lý.

“Họ (người nhập cư) muốn sống trên mồ hôi xương máu và tiền tiết kiệm của người dân Mỹ”, ông Trump phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử vào tháng 11 năm ngoái. “Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra. Tôi sẽ chấm dứt điều đó ngay lập tức”.

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA

Ông Trump không có quan điểm “thắt lưng buộc bụng”. Chương trình giảm thuế năm 2017 của ông đã khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng vọt. Bên cạnh đó, vị cựu tổng thống cũng không ra chính sách nào ảnh hưởng tới chương trình An sinh xã hội và Medicare – hai trong số những chương trình lớn nhất gây tăng thâm hụt ngân sách dài hạn ở Mỹ. Thay vào đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết kiểm soát “chi tiêu quá mức của Chính phủ” vào chương trình viện trợ nước ngoài, tài trợ khí hậu, nhập cư và một số lĩnh vực khác.

Ông cũng nhấn mạnh lập trường cô lập khi tuyên bố sẽ tiết kiệm ngân sách bằng nhiều biện pháp, trong đó bao gồm việc không để Mỹ liên quan tới các cuộc xung đột tốn kém ở nước ngoài như chiến tranh ở Ukraine.

NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH

Ông Trump đề xuất đưa các cơ quan như Ủy ban thương mại liên bang (FTC) và Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) thuộc thẩm quyền quản lý của tổng thống, đồng thời cam kết với mỗi quy định mới được đưa ra thì sẽ giảm 2 quy định hiện hành.

CHÍNH SÁCH KHÍ HẬU

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay sau khi trở thành tổng thống - Ảnh: Bloomberg

Ông Trump dự kiến đảo ngược các chính sách khí hậu của ông Biden qua một loạt biện pháp gồm hủy bỏ các quy định như tiết kiệm nhiên liệu và tiêu chuẩn khí thải. Ông cũng sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu – động thái ông từng thực hiện khi còn đương chức. Trước đó, vào ngày 19/2/2021, đúng 1 tháng sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định này.

CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG MỸ (FED)

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích ngân hàng trung ương Mỹ. Năm 2019, ông chỉ trích Fed hành xử như “đứa con cứng đầu” khi từ chối hạ lãi suất. Điều này được dự báo sẽ thể tiếp diễn nếu ông tái đắc cử. Các quan chức của Fed đã phát tín hiệu có thể hạ lãi suất trước thời điểm cuối năm 2024, nhưng cũng nhấn mạnh sẽ duy trì chính sách thắt chặt một thời gian. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump nói sẽ không tái bổ nhiệm Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ông này hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

CHÍNH SÁCH NĂNG LƯỢNG

“Khi trở lại Nhà Trắng, tôi sẽ đưa chính sách năng lượng vì nước Mỹ trở lại”, ông Trump nói trong một video công bố vào tháng 11/2023.

Ông cam kết, nếu tái đắc cử, sẽ loại bỏ mọi rào cản để thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí tại Mỹ. Ông cũng hứa sẽ đẩy nhanh việc cấp phép cho các đường ống khí tự nhiên vào vùng đá phiến Marcellus – trải dài trên 3 bang Pennsylvania, New York, và Ohio. Một ưu tiên nữa trong chương trình nghị sự của ông Trump là loại bỏ các chính sách thúc đẩy Mỹ chuyển đổi sang xe điện và năng lượng sạch.

Hoài Thu

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-sach-cua-ong-trump-neu-tai-dac-cu-tong-thong-my.htm