Chính sách đối với giáo dục người khuyết tật

Đó là những vấn đề được các đại biểu đề cập đến trong Hội thảo Đối thoại chính sách về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật do Bộ GD-ĐT phối hợp với tổ chức UNICEF tổ chức sáng 30-3, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia, thảo luận của đại diện nhiều cơ sở hội người khuyết tật (NKT) trên địa bàn Hà Nội cùng các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục trẻ khuyết tật (TKT).

Hội thảo nhằm trao đổi về thực trạng, những thách thức và các chính sách hỗ trợ giáo dục TKT trong cơ sở giáo dục, từ đó đề xuất kế hoạch hỗ trợ các hoạt động giáo dục NKT trong thời gian tới; kết nối và xây dựng mạng lưới liên kết về giáo dục cho NKT; nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục NKT; truyền thông xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT trong các hoạt động giáo dục...

 TS Tạ Ngọc Trí chia sẻ tại hội thảo.

TS Tạ Ngọc Trí chia sẻ tại hội thảo.

Nêu lên thực trạng NKT ở Việt Nam và những hạn chế trong chính sách, TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Hiện Việt Nam có khoảng 7,2 triệu NKT, trong đó có gần 2 triệu NKT là trẻ em và hơn 700.000 NKT là người cao tuổi. Dạng khuyết tật chủ yếu ở thể vận động, trí tuệ, nghe, nói. Tỷ lệ nghèo của NKT cao hơn người bình thường 1,5 lần; việc làm không ổn định, thu nhập thấp, các điều kiện tiếp cận giáo dục, y tế thấp hơn bình quân chung... điều đó cho thấy việc đảm bảo quyền của NKT còn hạn chế.

Tuy nhiên, những năm qua việc thực hiện chính sách đã có những kết quả nhất định: 100% các xã, phường, thị trấn thực hiện cấp giấy xác nhận khuyết tật. Đến cuối năm 2016 đã có hơn 1,3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận. Ngành giáo dục đã chủ động triển khai công tác giáo dục người khuyết tật (NKT), đội ngũ giáo viên giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với giáo dục hòa nhập TKT; TKT được tiếp cận với giáo dục ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Đến nay đã hình thành hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh, huyện ở khoảng 20 tỉnh, thành phố; đã có 17 trung tâm cấp tỉnh và cấp huyện, 7 trung tâm giáo dục, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt và triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp mầm non, phổ thông trong cả nước. Có 2 trường đại học sư phạm, 3 trường cao đẳng sư phạm có khoa Giáo dục đặc biệt, Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.

Hiện nay có sự thay đổi về nhận thức xã hội về giáo dục NKT, giúp họ tự tin hơn, hòa nhập khi tham gia giáo dục và đời sống xã hội. Nhà nước luôn quan tâm ban hành và điều chỉnh nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ giúp NKT. Các rào cản trong xã hội, trong giáo dục NKT từng bước giảm dần, quyền của NKT ngày càng được đảm bảo tốt hơn; các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định hỗ trợ NKT khi tham gia giáo dục.

Hội thảo đã đề cập đến hàng loạt các nhiệm vụ, chính sách nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập về: Môi trường học tập, sinh hoạt của TKT; sự tham gia, hợp tác liên ngành; kinh phí thực hiện công tác giáo dục TKT... và đề ra mục tiêu đến năm 2020: Có ít nhất 70% NKT trong độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục hòa nhập chất lượng, bình đẳng và thân thiện; có ít nhất 50% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT được huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn về NKT; có ít nhất 40% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ sở giáo dục được phổ biến và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục NKT.

Tin, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/chinh-sach-doi-voi-giao-duc-nguoi-khuyet-tat-534988