Chính sách “Dùng hàng trong nước” của Trung Quốc gây nhiều lo ngại

Theo tờ “Thời báo Tài chính”, việc Trung Quốc vừa công bố chính sách “dùng hàng nội” trong chương trình kích thích kinh tế là một động thái làm gia tăng căng thẳng với các đối tác thương mại, cũng như gây bất lợi cho nỗ lực chống chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới.

CôngThương - Trong một chỉ thị do 9 ban ngành Chính phủ cùng đưa ra, Bắc Kinh nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải sử dụng sản phẩm và dịch vụ trong nước trừ phi “không thể có” hay không thể mua vì những lý do pháp lý và thương mại hợp lý. Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết đang mở cuộc điều tra trước những phàn nàn của các ngành trong nước rằng nhiều chính quyền địa phương ưa chuộng các nhà cung cấp nước ngoài hơn trong những chương trình liên quan đến gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ NDT (585 tỷ USD). Theo chỉ thị, các ban ngành, chính quyền địa phương bị cấm phân biệt đối xử các nhà cung cấp trong nước trong các dự án liên quan đến gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc cho rằng thực tế ngược lại và phần lớn họ bị gạt khỏi những dự án này từ trước đến nay. Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nhận xét: “Chúng tôi thấy khó hiểu trong vấn đề này. Phần lớn các công ty châu Âu hoạt động ở Trung Quốc là liên doanh với đối tác địa phương và không có lợi ích trực tiếp từ gói kích cầu của chính phủ. Việc yêu cầu ủng hộ hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc như vậy sẽ không giúp giải quyết vấn đề thặng dư thương mại đã lên tới 170 tỷ euro của Trung Quốc”. Dong Tao, nhà kinh tế trưởng của Credit Suisse, nhận xét: “Từ góc độ chính trị trong nước, điều này hợp lý vì một số chính quyền địa phương đang có xu hướng chuộng hàng ngoại trong một số lĩnh vực. Nhưng với tầm quan trọng của tự do thương mại đối với kinh tế Trung Quốc, đây không phải là thông điệp thích hợp gửi đến phần còn lại của thế giới ở thời điểm này”. Mới vài tháng trước, Bắc Kinh còn phản đối mạnh mẽ điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” nằm trong gói cứu trợ kinh tế Mỹ. Đa số các nhà kinh tế học nhất trí rằng Trung Quốc đang bắt đầu hồi phục nhờ gói kích thích kinh tế khổng lồ trên, song quốc gia này vẫn phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cũng như lo ngại hậu quả của nó dẫn đến bất ổn xã hội nghiêm trọng. Nhà kinh tế Dong Tao đánh giá: “Chính sách mới của Bắc Kinh phản ánh lo ngại đang gia tăng ở nước này về sức ép việc làm và nguy cơ tiềm tàng bất ổn xã hội”. Trung Sơn

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/thoi-su-the-gioi/chinh-sach-dung-hang-trong-nuoc-cua-trung-quoc-gay-nhieu-lo-ngai/32/0/16914.star