Chính sách hỗ trợ nhiều, doanh nghiệp vừa và nhỏ 'hấp thụ' được ít

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98% doanh nghiệp của cả nước. Gần 2 năm Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực, theo phản ánh của các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của nhà nước khá nhiều, nhưng họ chưa được thụ hưởng nhiều những chính sách tích cực đó.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodle Việt Nam, cho biết doanh nghiệp mới được thành lập, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Vì doanh nghiệp nhỏ và mới, nên đối diện với nhiều khó khăn, “bí” từ câu chuyện vốn vay, quản lý nhân lực, đầu ra cho sản phẩm, đến kết nối cung cầu thị trường để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng…

Theo ông Tuấn Anh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, có hiệu lực từ 1/1/2018, nhưng sau gần 2 năm, doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ là “rất hạn chế”. Ông Tuấn Anh cho biết: “Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp chúng tôi chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, từ nguồn vốn, đến ưu đãi thuế. Doanh nghiệp vẫn phải tự mình bươn chải với thương trường”.

Vị chủ doanh nghiệp này cho hay, sản phẩm của công ty đưa chùm ngây vào các loại thức ăn hằng ngày, và sản phẩm đã được đưa đi một số nước qua hội chợ quốc tế. Mặc dù vậy, khi doanh nghiệp đăng ký “tem truy xuất nguồn gốc” sản phẩm, nhưng khi Sở Khoa học Công nghệ của tỉnh tiến hành dán tem này thì doanh nghiệp này lại không được mời đến. Doanh nghiệp phản ánh lại thì nhận được câu trả lời: “lỗi tại đơn vị tư vấn”.

Theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp được hỗ trợ dán tem này “không đáng bao nhiêu kinh phí”, nhưng đây là quyền lợi của doanh nghiệp, cũng là uy tín và sự phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó cho thấy cơ quan quản lý vẫn chưa sâu sát trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường, biến động của thị trường. Trong đó, trên 80% doanh nghiệp nông nghiệp là các hợp tác xã, hộ sản xuất. Họ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khả năng tiếp cận cơ chế chính sách của các doanh nghiệp này rất hạn chế. Dù chính sách đã có, nhưng quan trọng nhất là việc triển khai các chính sách ưu đãi xuống tận từng cơ sở lại chưa hiệu quả; doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh chưa tiếp cận được các chính sách rất tích cực nói trên.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Qua các ý kiến của địa phương và doanh nghiệp, có 3 nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được hỗ trợ trong tâm ở các vấn đề là: Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Vấn đề đặt ra làm thế nào để đưa chính sách vào cuộc sống. Theo ông Cương, có 7 nhóm vấn đề vướng mắc hiện nay trong quá trình triển khai của các địa phương và doanh nghiệp, đơn cử là: Hỗ trợ thuế và kế toán, đào tạo và tư vấn, nguồn lực triển khai...

Doanh nghiệp có nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ. Ảnh H. Hòa

Trong quá trình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gặp phải một số vướng mắc, như chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ nên chưa triển khai được thực tế….

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn hoạt động manh mún, thiếu liên kết giữa các đơn vị, chậm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt là tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành doanh nghiệp của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế cũng như sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi đã trở thành doanh nghiệp…

Điều 5 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật này thì “doanh nghiệp có nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn để hỗ trợ”.

Ngoài ra, bên cạnh việc được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp còn được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường (Điều 10).

Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn với thời gian hỗ trợ là 05 năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng dất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung….

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chinh-sach-ho-tro-nhieu-doanh-nghiep-vua-va-nho-hap-thu-duoc-it-post60787.html