Chính sách 'Không COVID' của Trung Quốc tác động mạnh tới Malaysia

Trong khi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược 'Không COVID' thì các đối tác thương mại của nước này, trong đó có Malaysia, có khả năng phải hứng chịu hậu quả.

Lạm phát tăng cao tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Lạm phát tăng cao tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục Thị trường Carmelo Ferlito đã chỉ ra rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong cả lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu. Chiến lược loại bỏ sự lây nhiễm hoàn toàn của COVID-19 bằng cách đóng cửa các khu công nghiệp lớn như Thượng Hải sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đối với các đối tác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Do vậy, câu hỏi đặt ra là Malaysia có thể định hình lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc như thế nào? Số liệu về thương mại trong quý tới có thể mang lại một số tín hiệu.

Ngoài tác động đến thương mại, Giám đốc Carmelo tin rằng chiến lược của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng và mất an ninh lương thực tại quốc gia Đông Nam Á này.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia (MITI) cho thấy từ tháng 1-5/2022, trao đổi thương mại giữa nước này với Trung Quốc đã tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 187,8 tỷ RM. Điều này được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 16%, đạt 82,7 tỷ RM, vốn được hỗ trợ bởi lĩnh vực điện và điện tử, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm liên quan đến dầu cọ.

Tương tự như vậy, lượng hàng nhập khẩu của Malayisa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 16,4% lên 105,1 tỷ RM.

Mặt khác, ông Carmelo cũng nhìn thấy cơ hội trong khủng hoảng. Ông lấy ví dụ, Malaysia có thể là một điểm đến được lựa chọn của các nhà đầu tư muốn rời Trung Quốc để mở cửa hàng ở nước khác.

Ông nói: “Việc Malaysia có thể tận dụng tình hình hay không là điều còn phải xem xét”. Ông chỉ ra rằng Chính phủ Malaysia đã chậm chạp trong việc giải quyết nhu cầu về lao động nhập cư và thiếu sự ổn định chính trị cần thiết để đưa Malaysia trở thành thiên đường cho tinh thần kinh doanh.

Giáo sư kinh tế học Geoffrey Williams, Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia, cho biết bất chấp phong tỏa, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Ông Geoffrey Williams cho biết ông không nhận thấy bằng chứng nào về sự thay đổi trong mô hình này, mặc dù Malaysia có danh mục đầu tư thương mại khá đa dạng.

Tuy nhiên, vấn đề xuất hiện khi ở Trung Quốc, chiến lược “Không COVID” đã ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong quý II/2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi nếu so với quý I/2022, GDP của nước này lại giảm 2,6%.

“Đây là kết quả hoạt động tồi tệ nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020”, Giáo sư Williams chỉ ra.

Bên cạnh đó, ông Williams cũng chỉ ra rủi ro tiềm ẩn to lớn mà thị trường cho vay thế chấp Trung Quốc phải đối mặt khi thị trường bất động sản nước này gặp nhiều khó khăn. “Điều này gây ra nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong nước", ông nói.

Giáo sư Williams cho biết, chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng tài chính trong nước Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và điều đó sẽ có tác động đến Malaysia. Đồng thời, điều này cũng sẽ kiềm hãm tăng trưởng thương mại và tác động trực tiếp sẽ là các nhà sản xuất ở Malaysia mất đi doanh thu và dòng tiền. Họ cũng sẽ buộc phải tích trữ những cổ phiếu chưa bán được.

Theo thời gian, ông nói, điều này sẽ dẫn đến sản lượng giảm do thiếu tiền mặt và hàng tồn kho không bán được. Điều này sẽ làm tăng thêm những rủi ro đã có sẵn và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn vào nửa cuối năm 2022.

Ông nói thêm: “Cộng thêm rủi ro toàn cầu và lãi suất trong nước cao hơn, Malaysia sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng giảm”.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia kể từ năm 2009. Kim ngạch thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc đã tăng trung bình 16% trong hai năm qua, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt giá trị hơn 420 tỷ RM.

Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng mang lại cơ hội lớn hơn cho sự phát triển của Malaysia về kỹ năng và kinh nghiệm, cũng như mang lại lợi ích tài chính cho Malaysia.

Mới đây, ngày 12 và 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Malaysia. Chuyến thăm của ông nằm trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á kéo dài từ ngày 3-14/7.

Phát biểu nhân sự kiện này, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã khẳng định: “Quan hệ Malaysia-Trung Quốc không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn bao hàm hợp tác giáo dục, công nghệ, y tế và thực thi pháp luật mà hai bên cùng quan tâm”./.

Hằng Linh (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-khong-covid-cua-trung-quoc-tac-dong-manh-toi-malaysia/251900.html