Chính sách kiểm soát súng chặt chẽ của Nhật

Vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe Shinzo làm chấn động Nhật Bản, nhất là lâu nay chính sách kiểm soát súng chặt chẽ khiến bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra ở nước này.

Chính sách kiểm soát súng chặt chẽ của Nhật Bản chủ yếu vì sau Thế chiến thứ 2, người Mỹ định hình chính sách súng và đưa ra luật cấm súng ở quốc gia Đông Á này.

Theo tổ chức Small Arms Survey chuyên theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu, tỷ lệ sở hữu súng tại Nhật chỉ có 0,6 trên mỗi 100 người, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 6,2 tại Anh và 88,8 tại Mỹ. Cảnh sát Nhật cũng hiếm khi dùng đến súng.

Nhật thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng thấp nhất thế giới - Ảnh: Reuters

Thủ tục cấp phép rất rườm rà, một người Nhật muốn sở hữu súng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần lẫn kiểm tra ma túy kỹ lưỡng trong bệnh viện, vượt qua bài thi viết rồi hoàn thành bài kiểm tra bắn súng với yêu cầu độ chính xác tối thiểu 95%. Phía cảnh sát phụ trách kiểm tra lý lịch toàn diện (tiền án, các khoản nợ cá nhân, quan hệ với gia đình và bạn bè).

Sau khi có súng, người sở hữu phải đăng ký với cảnh sát, cung cấp thông tin chi tiết về nơi cất giữ súng lẫn đạn. Cảnh sát kiểm tra súng mỗi năm một lần, người sở hữu phải học và thi lại mỗi 3 năm để gia hạn giấy phép sử dụng

Hình phạt tối đa cho hành vi tàng trữ súng trái phép là 15 năm tù giam. Sở hữu súng dùng cho hành vi phạm tội có tổ chức cũng chịu mức án 15 năm tù, xả súng nơi công cộng có thể lãnh án chung thân.

Loạt quy định nghiêm ngặt khiến Nhật hiện chỉ 310.400 khẩu súng thuộc sở hữu tư nhân. Số người chết do súng năm 2018 và 2019 lần lượt là 9 và 3. Mỹ trong năm 2019 có đến 37.038 người chết bởi súng.

Ở Nhật Bản, vụ tấn công một chính trị gia bằng súng gần đây nhất (không tính vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe vừa xảy ra) là vào năm 2007. Thị trưởng thành phố Nagasaki Iccho Ito bị một đối tượng xã hội bắn ít nhất hai phát đạn và tử vong sau đó.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chinh-sach-kiem-soat-sung-chat-che-cua-nhat-184099.html