Chính sách mới tháng 7: Tăng lương cơ sở, giảm 50% phí trước bạ ôtô

Biển số ôtô bắt đầu được đưa ra đấu giá, phí trước bạ đối với ôtô lắp ráp trong nước được giảm 50%, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng... là những chính sách mới sắp có hiệu lực.

Từ tháng 7, nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có những quy định đáng chú ý liên quan đến giao thông, tài chính, lao động...

Đấu giá biển số ôtô

Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số ôtô của Quốc hội có hiệu lực từ 1/7 và thực hiện trong 3 năm.

Nghị quyết quy định giá khởi điểm của một biển số ôtô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền bằng giá khởi điểm của một biển số xe. Mỗi lần bước giá trong phiên là 5 triệu đồng.

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số trong trường hợp xe bị mất, hư hỏng hoặc chuyển nhượng cho người khác. Sau đó, họ được dùng chính biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình. Thời hạn đăng ký biển cho xe khác không quá 12 tháng.

Cơ quan chức năng không cho phép chuyển nhượng riêng biển số, tuy nhiên việc chuyển nhượng biển số trúng đấu giá kèm theo ôtô là hợp pháp.

Người tham gia đấu giá được lựa chọn biển số xe của tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Không giới hạn số lượng biển số được đấu giá cho mỗi người. Việc đấu giá được thực hiện hoàn toàn qua mạng. Bộ Công an sẽ ký hợp đồng dịch vụ đấu giá biển số xe với một tổ chức đấu giá tài sản độc lập. Tổ chức này vận hành quá trình đấu giá. Lực lượng của Cục CSGT sẽ theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình, kết quả đấu giá cùng các yếu tố khác liên quan.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ôtô. Chi tiết tại đây.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước

Hôm 28/6, Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) bằng 50% mức thu hiện hành. Văn bản được ký bởi Phó thủ tướng Lê Minh Khái, hiệu lực áp dụng của chính sách này kéo dài từ ngày 1/7 đến ngày 31/12 năm nay.

Như vậy, thị trường ôtô Việt Nam chuẩn bị đón nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ tương tự Nghị định từng được ban hành trong giai đoạn cuối năm 2021. Mục đích nhằm tăng kích cầu thông qua giảm lệ phí đăng ký xe mới, từ đó thu hút người dùng mua sắm sau thời gian dài thị trường suy giảm doanh số mạnh.

Với quy định mới về mức thu lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất trong nước trong 5 tháng cuối năm, các hãng xe nắm giữ thị phần lớn và có nhà máy tại Việt Nam sắp được hưởng lợi.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ sẽ khiến nguồn thu ngân sách từ lệ phí trước bạ ôtô hụt khoảng 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quyết sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp các doanh nghiệp ôtô trong nước bớt được gánh nặng về chi phí, qua đó tập trung hơn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp ôtô.

Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng

Nghị định 24/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được áp dụng cho 9 nhóm người lao động.

Nhóm một là cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện. Nhóm 2, là cán bộ, công chức cấp xã. Nhóm 3 là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhóm thứ 4 là người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Nhóm 5 là người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Nhóm 6 là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và hợp đồng lao động thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhóm 7 là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, Công an nhân dân và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

Nhóm 8 là người làm việc trong tổ chức cơ yếu. Nhóm 9 là người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Nhiều chi phí thay đổi theo mức lương cơ sở

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, mức đóng và chế độ bảo hiểm y tế cũng được điều chỉnh phù hợp với quy định mới.

Hiện nay, chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 223.500 đồng) thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán 100% chi phí.Như vậy, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức chi phí cho 1 lần khám bệnh nêu trên sẽ thay đổi thành 270.000 đồng.

Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng được thay đổi.

Mới đây nhất, ngày 29/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ 1/7, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng từ 12,5% đến 20,8% tùy theo trường hợp.

Riêng đối với trường hợp có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Những người có mức hưởng từ 2,7 triệu/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên mức 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, một số khoản trợ cũng sẽ thay đổi. Chi tiết tại đây.

Giảm 2% thuế VAT

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp hôm 24/6. Trong đó, có quyết định giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Việc giảm thuế này được thực hiện từ 1/7 đến hết năm nay.

Như vậy, thuế VAT sẽ giảm về 8%, nhưng không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 Việc giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: Thanh Đức.

Việc giảm thuế VAT được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa: Thanh Đức.

Ước tính, ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 24.000 tỷ đồng khi đưa thuế VAT về 8% trong nửa cuối năm.

Bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với xe máy, ôtô điện

Thông tư 48/2022 của Bộ Giao thông Vận tải quy định từ ngày 1/7, các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu ôtô, xe máy điện phải tự in nhãn năng lượng theo mẫu và dán lên các loại xe bao gồm: Ôtô con loại 9 chỗ trở xuống; môtô, xe gắn máy sử dụng điện; xe hybrid điện bao gồm: Ôtô con hybrid điện, ôtô con thuần điện, môtô hybrid điện, môtô thuần điện và xe gắn máy thuần điện được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.

Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình mới được cấp phù hiệu

Theo Nghị định 47/2022 của Chính phủ, từ ngày 1/7, ôtô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định, khi tham gia kinh doanh lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.

Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định cụ thể.

Phù hiệu là mẫu giấy hoặc mẫu tem được cấp cho phương tiện hoạt động vận tải. Đây là giấy tờ buộc phương tiện phải dán khi lưu thông trên đường.

Những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm: Ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên; ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Hồng Quang

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chinh-sach-moi-thang-7-tang-luong-co-so-giam-50-phi-truoc-ba-oto-post1443979.html