Chính sách Mỹ với Triều Tiên: Dự báo tiếp cận thực tế hơn trong chính quyền Tổng thống Biden

Chính sách của Mỹ với Triều Tiên vẫn chưa thống nhất trong bối cảnh chính quyền mới tại Washington bắt đầu xem xét nghiên cứu chính sách với nước này.Chính sách của Mỹ với Triều Tiên vẫn chưa thống nhất trong bối cảnh chính quyền mới tại Washington bắt đầu xem xét nghiên cứu chính sách với nước này.

Chính sách Mỹ với Triều Tiên trong chính quyền mới

Theo hãng CNN, các cựu quan chức và chuyên gia Mỹ đang tiếp tục thảo luận về chính sách của Mỹ với Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh đến quá trình phi hạt nhân hoàn toàn tại bán đảo Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden lên tiếng, quá trình xem xét chính sách Mỹ đối với Triều Tiên sẽ hoàn thành trong các tháng tới trước khi thông báo các kế hoạch giải quyết khủng hoảng kéo dài khiến nhiều nhà lãnh đạo Mỹ phải đau đầu về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một bài phát biểu quan trọng đề cập đến các ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3/3 đã tập trung vào vấn đề Trung Quốc, trong đó đề cập đến Triều Tiên là một trong số các quốc gia đang có "thách thức nghiêm trọng".

Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Mỹ nêu rõ, Tổng thống Biden sẽ ủy quyền cho "các nhà ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm làm giảm các mối đe dọa xung quanh chương trình tên lửa và hạt nhân gia tăng tại Triều Tiên" trong khi vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, thông tin tiết lộ vẫn chưa nêu cụ thể.

Ông Ankit Panda – nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Carnegie – Mỹ khẳng định cuộc thảo luận chiến lược giảm thiểu mối đe dọa là đáng chú ý và mang lại khả năng tích cực nếu chính quyền Mỹ xem đây là trọng tâm ngắn hạn trong khi vẫn tiếp tục duy trì phi hạt nhân hóa như một mục tiêu lâu dài.

"Quá trình giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân phải đánh giá dựa trên tình hình thực tế tại bán đảo Triều Tiên...", ông nhấn mạnh.

Bất chấp cách tiếp cận ra sao, giới phân tích và cựu quan chức khẳng định không nên chờ đợi Triều Tiên có phản ứng nhượng bộ. Thay vào đó, chính quyền mới của Mỹ phải chủ động hành động trước.

"Chúng ta càng trì hoãn thì các lựa chọn sẽ càng hạn chế hơn", nhóm nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên đưa ra báo cáo gần đây về kế hoạch đối phó với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Trong số các đề xuất do các chuyên gia cung cấp, thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân được nêu ra, trong đó hướng tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao tốt hơn đồng thời cam kết nới lỏng các trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Một số cựu quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump liên tục kêu gọi Tổng thống Biden tăng cường trừng phạt và xây dựng hành động quân sự gây áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các quan chức này cho rằng chiến dịch "gây áp lực tối đa" của chính quyền cựu Tổng thống Trump chưa áp dụng đầy đủ và cần thời gian để thực hiện.

Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng sẽ có sự tiến triển trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa cựu Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong các năm trước. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi. Cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ đột phá nào trong quan hệ giữa hai nước và giới quan sát đã đưa ra nhận định cho rằng đã đến lúc Washington phải có hành động khác mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với Bình Nhưỡng.

Kiểm soát vũ khí và phi hạt nhân hóa

Đầu tuần này, giới phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS) cho biết, hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Triều Tiên gần đây đã xây dựng một hệ thống mới tại khu vực Yongdoktong nhằm che đậy các lối vào dẫn tới 2 đường hầm dưới mặt đất. Khu vực này được cho là nơi chứa vũ khí hạt nhân, đánh dấu các tiến bộ đáng kể của Triều Tiên trong quá trình mở rộng kho vũ khí.

Vào tháng trước, tại Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên hợp quốc tổ chức, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ vẫn tập trung vào chính sách hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Nhóm nghiên cứu về Triều Tiên của Mỹ (38 North) khẳng định, các nỗ lực giúp giảm căng thẳng và rủi ro xung đột là thông qua thỏa thuận kiểm soát vũ khí, giảm thiểu các cuộc tập trận quân sự của Mỹ với Hàn Quốc, xây dựng ngoại giao, tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên đồng thời tăng cường hợp tác với các đồng minh...

"Phi hạt nhân hóa tiếp tục sẽ là mục tiêu mà Mỹ hướng đến tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington phải thực tế hơn trong quá trình nhìn nhận cách tiếp cận với Bình Nhưỡng", báo cáo kết luận. Cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền cựu Tổng thống Trump – ông John Bolton từng đánh giá cao các giải pháp nêu trên trong bài viết gần đây trên trang Bloomberg, khẳng định Mỹ cần phải duy trì lựa chọn quân sự.

Trong khi đó, một cựu cố vấn an ninh khác của ông Trump - H.R. McMaster đã nói tại Ủy ban quốc hội Mỹ vào ngày 3/3 rằng chính quyền ông Biden không nên tham gia vào các thỏa thuận ban đầu và nhượng bộ chỉ để ngồi vào bàn đàm phán.

Cựu cố vấn Tổng tống Hàn Quốc - Moon Jae-in cũng thuyết phục Mỹ vẫn áp dụng chính sách tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên nhưng Washington phải linh hoạt hơn trong quá trình đưa ra các thỏa thuận ban đầu với Bình Nhưỡng.

"Sẽ không có bất kỳ tiến bộ nào nên cuộc đàm phán chỉ tập trung vào "tội phạm và hình phạt", ông Moon Chung-in viết trong bài phân tích trên tờ báo Hankyoreh.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chinh-sach-my-voi-trieu-tien-du-bao-tiep-can-thuc-te-hon-trong-chinh-quyen-tong-thong-biden-2021030416573606.htm