Chính sách phản tác dụng của Mỹ và động thái hết kiên nhẫn với JCPOA của Iran

Iran vừa công bố việc tiến hành giai đoạn 4 trong tiến trình từng bước rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là xa rời dần các giới hạn áp đặt với chương trình hạt nhân theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Có thể thấy, Iran đã không còn kiên nhẫn với JCPOA.

Iran đã hết kiên nhẫn với JCPOA. (Nguồn: AP)

Làm giàu uranium "thần tốc"

Theo báo cáo công bố hôm 11/11 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đơn vị giám sát việc thi hành thỏa thuận hạt nhân, Iran đang làm giàu uranium tại cơ sở ngầm Fordow và đẩy nhanh tiến độ làm giàu uranium.

IAEA cũng phát hiện dấu vết uranium tại một địa điểm chưa được công bố ở Iran. Theo báo cáo, các thanh sát viên của IAEA đã “phát hiện dấu vết của uranium tự nhiên được xử lý nhân tạo tại một địa điểm mà Iran chưa công bố với IAEA”. Dấu vết này được cho là sản phẩm của uranium được khai thác và xử lý ban đầu, nhưng chưa được làm giàu. IAEA cho biết thêm rằng, điều cần thiết ở đây là Iran phải tiếp tục làm việc với cơ quan này để giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.

Các nguồn tin cho biết, IAEA đã lấy mẫu thử từ cơ sở tại quận Turquzabad ở Tehran vào đầu năm 2019 và Iran đã rất chậm trễ trong việc đưa ra câu trả lời lý giải cho các kết quả xét nghiệm. Iran vi phạm các giới hạn của JCPOA để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm ngoái và tái áp đặt các lệnh trừng phạt làm tê liệt hoạt động mua bán dầu của Iran. Tehran khẳng định sẽ nhanh chóng rút lại các hành động vi phạm đó nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.

Tuần trước, Iran tuyên bố bắt đầu tinh chế uranium tại Fordow - nhà máy được xây dựng trong núi nhằm né tránh nguy cơ bị ném bom và từng được Tehran che đậy trước các thanh sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) cho đến trước năm 2009.

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ngăn cấm hoạt động làm giàu uranium tại đây và phong tỏa các nguyên liệu hạt nhân nhưng vẫn cho phép một số máy ly tâm vận hành vì mục đích khoa học. Báo cáo Quý được gửi tới các nước thành viên của IAEA khẳng định: “Kể từ ngày 9/11/2019, Iran đã tiến hành làm giàu uranium tại nhà máy Fordow”.

Về hoạt động làm giàu uranum của Iran, báo cáo của IAEA cho biết, kho dự trữ uranium đã làm giàu hiện tại tương đương 551 kg, trong khi mức trần trong thỏa thuận hạt nhân 2015 là 300 kg. Một nhà ngoại giao ở Vienna cho biết, sản lượng làm giàu uranium của Iran đã tăng lên tới hơn 100 kg/tháng và có thể còn gia tăng hơn nữa.

Sẵn sàng hứng "bão" lệnh trừng phạt?

Ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh cùng đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này.

Tuyên bố chung của 4 nhà ngoại giao cấp cao hàng đầu phương Tây khẳng định: “Diễn biến này cho thấy Iran đang đẩy nhanh việc gỡ bỏ các cam kết trong JCPOA, bao gồm vượt mức dự trữ uranium làm giàu được cho phép và vượt ngưỡng giới hạn làm giàu được cho phép”.

Báo cáo của IAEA không nhắc tới vụ việc liên quan đến một thanh sát viên của IAEA hồi 2 tuần trước khiến Iran hủy công nhận vai trò thanh sát viên của bà.

Chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium, Iran 'cấm cửa' một thanh sát viên IAEA. (Nguồn: AEOI)

Từ tháng 5/2019, Iran đã ngày một phá bỏ các giới hạn theo thỏa thuận hạt nhân, trong khi khẳng định các hành động này có thể được rút lại nếu các bên còn lại trong thỏa thuận giúp Iran giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù tuần trước Iran cho biết nước này đang làm giàu uranium lên mức 5%, báo cáo của IAEA cho biết mức cao nhất được ghi nhận là 4,5%, vẫn cao hơn mức 3,67% được quy định trong JCPOA.

Trước cuộc gặp tại Paris hôm 11/11 giữa các quan chức Anh, Pháp, Đức và EU, một nguồn tin châu Âu nói rằng “cánh cửa cơ hội để xuống thang đang ngày một khép lại một cách nghiêm trọng”. Nguồn tin này bày tỏ quan ngại cái gọi là “thời gian chờ” cần thiết để Iran chế tạo được nguyên liệu phân hạch vẫn được duy trì ở mức ít nhất 12 tháng nếu Iran tuân thủ các điều khoản của JCPOA, nhưng thời gian đó đang “được rút ngắn lại nhanh chóng”.

Một lựa chọn cho các cường quốc phương Tây đó là khởi động cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân, theo đó các nước sẽ có 30 ngày để giải quyết vấn đề. Nếu vấn đề không được giải quyết, nó sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có thể dẫn tới việc “áp đặt trở lại” các lệnh trừng phạt từng được gỡ bỏ theo thỏa thuận. Sau cuộc họp tại Paris, các nước thành viên EU trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nói: “Chúng tôi khẳng định sẵn sàng cân nhắc tất cả cơ chế trong JCPOA, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp, để giải quyết các vấn đề này”.

Có lẽ, chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ chưa đủ sức ép để Iran phải tiến tới bàn đàm phán, và cũng không hề khiến nước Cộng hòa Hồi giáo thu hẹp các hoạt động tại Trung Đông. Thực chất, chính sách này thậm chí còn phản tác dụng và khiến Iran trở nên cương quyết hơn. Iran vừa công bố việc tiến hành giai đoạn 4 trong tiến trình từng bước rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là xa rời dần các giới hạn áp đặt với chương trình hạt nhân theo JCPOA.

(theo Reuters, AP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-phan-tac-dung-cua-my-va-dong-thai-het-kien-nhan-voi-jcpoa-cua-iran-104429.html