Chính sách tài khóa kịp thời, thiết thực, tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển

Trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng, hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời, thiết thực, trong khi vẫn đảm bảo đươc cân đối vĩ mô. Đây là đánh giá của ông Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với phóng viên TBTCVN.

PV: Thưa ông, trong quá trình đối phó với dịch Covid-19 vừa qua cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch, ông đánh giá thế nào về các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đã và đang được triển khai?

Ông Nguyễn Văn Thân

Ông Nguyễn Văn Thân

Ông Nguyễn Văn Thân: Trong các chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, các biện pháp hỗ trợ thông qua công cụ tài khóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều chính sách tài khóa tiếp sức cho doanh nghiệp ngay từ năm 2020 khi đại dịch này xuất hiện và các năm 2021, 2022 tiếp theo.

Có thể kể đến rất nhiều các chính sách được ban hành ngay từ đầu đại dịch và cho đến nay vẫn được tiếp tục được bổ sung, thực hiện như: gia hạn, miễn giảm các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, các loại phí, lệ và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19…

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, quy mô các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi kinh tế đạt khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, quy mô của các chính sách tài khóa triển khai giai đoạn này là chưa từng có từ trước đến nay.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc triển khai các chính sách này trên thực tế?

Ông Nguyễn Văn Thân: Trong khi các giải pháp về tiền tệ có độ trễ nhất định, các giải pháp tài khóa hầu hết đều có tác dụng trực tiếp, ngay lập tức như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… Đặc biệt, các chính sách này sau khi được Chính phủ, Quốc hội thông qua đã được Bộ Tài chính triển khai rất nhanh, kịp thời với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các chính sách được triển khai với mục tiêu tăng sức chống chịu cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được trong bối cảnh khó khăn. Khi dịch bệnh giảm dần, chính sách tài khóa được thiết kế với mục tiêu dài hơi hơn, hỗ trợ, kích thích phục hồi kinh tế thông qua việc thúc đẩy cả cung và cầu.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao; qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài khóa tiếp sức cho doanh nghiệp. Ảnh: TL

PV: Đó là đánh giá chung, còn đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, theo ông các chính sách hỗ trợ này có tác dụng như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thân: Một phần lớn trong các chính sách hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai vừa qua hướng đến đối tượng là doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp của Việt Nam, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 97 – 98%. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là đối tượng thụ hưởng chính của các chính sách này. Từ góc độ của mình, các doanh nghiệp đều ghi nhận nỗ lực lớn của Chính phủ trong chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Hầu hết các doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ đánh giá cao về tính hữu ích của chính sách tài khóa, nhất là các chính sách về giảm, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm và hoãn thuế giá trị gia tăng, hoãn tiền thuê đất và các loại phí khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách như giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng DNNVV là đối tượng có mức độ tiếp cận thông tin chưa cao, việc thực hiện các quy trình, thủ tục, chuẩn mực chưa tốt, một số chính sách ban đầu triển khai còn vướng mắc, bất cập… nên đó cũng là những hạn chế ảnh hưởng đến việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp.

PV: Theo ông, những nguyên nhân nào giúp chính sách tài khóa của chúng ta có thể trở thành trụ cột chính để ứng phó trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế?

Ông Nguyễn Văn Thân: Sử dụng chính sách tài khóa để ứng phó trong giai đoạn khủng hoảng là cách làm phổ biến ở các nước trên thế giới. Các gói chính sách của chúng ta cũng tương đồng với chính sách của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi các nước phát triển có tiềm lực tài chính lớn có thể mạnh tay chi để hỗ trợ nền kinh tế, chấp nhận mức nợ công tăng cao, thì quy mô và tiềm lực nền kinh tế của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Do đó, tôi đánh giá rất cao việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã tính toán, “liệu cơm gắp mắm” để có những chính sách phù hợp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, giữ ổn định được vĩ mô. Bởi nói gì thì nói, ổn định vĩ mô vẫn là điều kiện tiên quyết để kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.

Có được điều này cũng nhờ những năm qua chúng ta đã nỗ lực cơ cấu lại ngân sách, tăng cường quản lý thu, cải thiện hiệu quả chi, kéo giảm bội chi và giữ trần nợ công duy trì trong mức cho phép. Qua đó, chúng ta có dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa kịp thời, phù hợp.

Trao thêm cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành doanh nghiệp lớn

“Trong thiết kế chính sách, cần chú trọng đến việc trao thêm cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đối tượng chiếm đa số trong lực lượng hơn 800.000 nghìn doanh nghiệp của Việt Nam. Chẳng hạn như vấn đề tôi đã kiến nghị lâu nay tại các diễn đàn cũng như tại Quốc hội là xem xét để các DNNVV được tham gia vào các dự án đầu tư công với tỷ lệ khoảng 30%, qua đó họ sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, nhân lực đến lập hồ sơ, thi công, quyết toán… Khi chúng ta trao cơ hội nhiều hơn cho các DNNVV thì họ mới có cơ hội trở thành các doanh nghiệp lớn, từ đó xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh” - Ông Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

PV: Sau những thăng trầm vừa qua, và trước khả năng sắp tới còn nhiều biến động khó lường, ông có đề xuất gì về các chính sách điều hành kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân?

Ông Nguyễn Văn Thân: Khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, bối cảnh chính sách cũng sẽ phải thay đổi, chuyển dần từ mục tiêu ngắn hạn là kiềm chế đại dịch và hỗ trợ doanh nghiệp sang mục tiêu dài hạn là phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở dư địa chính sách, Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là vấn đề hết sức thiết yếu để cộng đồng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh và bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-khoa-kip-thoi-thiet-thuc-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-phat-trien-111899.html