Chính sách thuế và giá: Công cụ hữu hiệu để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để đạt mục tiêu của Chương trình sức khỏe Việt Nam về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, một trong những cách hiệu quả nhất là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế.

Thuế là biện pháp hạn chế thuốc lá hiệu quả nhất

Tại hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, WHO đã thống kê tỷ lệ tử vong do hút thuốc lá là 8 triệu người/năm, có thêm 1 triệu người tử vong do thuốc lá thụ động. Ở Việt Nam, cứ 7 người thì có 1 người tử vong do thuốc lá gây ra.

“Chi phí cho thuốc lá ở Việt Nam chiếm 1% GDP, con số bỏ ra rất lớn. Việt Nam là một nước có người sử dụng thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới. Xu thế sử dụng thuốc lá ngày càng gia tăng, người sử dụng thuốc lá trong giới trẻ tăng rất nhanh, hình thức sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến. Chính phủ đã có nhiều biện pháp, chính sách để hạn chế sử dụng thuốc lá, trong đó có chính sách về thuế. Thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất” - ông Hồ Ngọc Hải nói thêm.

Đề cập đến chính sách thuế, Ths. Đào Thế Sơn - Trường Đại học Thương mại, cho rằng Việt Nam có lộ trình tăng thuế chậm, các mức tăng thuế cũng không đủ lớn. Cần bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ lớn đối với thuốc lá.

Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới. Đồ họa: Thế Dương

Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới. Đồ họa: Thế Dương

Trên thực tế, hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thuốc lá ở Việt Nam thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật Thuế TTĐB sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN như Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng. Theo WB, trên phạm vi toàn cầu khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của Chính phủ thêm 7%. Bằng chứng thực tiễn tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng.

Chia sẻ khó khăn về thuế thuốc lá, Ths. Đào Thế Sơn cho rằng: “Thu nhập tăng nhanh hơn nhiều so với giá sản phẩm thuốc lá. Việt Nam có lộ trình tăng thuế chậm, các mức tăng thuế cũng không đủ lớn, ví dụ như tác động của mức tăng tỷ lệ thuế 70 - 75% lên một bao thuốc lá giá 10 nghìn đồng là 292 đồng, lên một bao thuốc giá 20 nghìn đồng là 583 đồng. Bên cạnh đó, số thu thuế từ thuốc lá tại Việt Nam không tăng đáng kể sau khi điều chỉnh lạm phát, tỷ lệ tổng thu thuế thuốc lá/GDP không thay đổi nhiều”.

Tại Việt Nam, tính theo tiêu chuẩn quốc tế, mức thuế trong giá bán lẻ, tỷ lệ thuế của Việt Nam bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) chỉ chiếm khoảng 35%. Đây là mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Bộ Y tế đề xuất không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe

Đồng thời với biện pháp thuế, giá để hạn chế tiêu dùng thuốc lá, Ths. Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cũng cảnh báo sự xuất hiện của thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của WHO tại Việt Nam, bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, trong khi đó, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống.

Gia tăng số người tử vong do thuốc lá

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1 - 2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.

Bà Trần Thị Trang cũng thông tin, hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Trong khi đó, hiện Việt Nam mới có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thuốc lá trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đặc biệt, luật, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT hướng dẫn in cảnh báo sức khỏe đối với bao thuốc lá điếu, không điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới do lo ngại ảnh hưởng sức khỏe và tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái…

“Quan điểm, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam: không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe” - bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.uế thuốc lá tăng 400%, nhưng không gặp khó khăn gì với tình trạng buôn lậu thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá không ảnh hưởng đến việc làm và hạn chế buôn lậu

Thuế suất đối với thuốc lá của Việt Nam còn thấp và việc tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giúp bảo vệ sức khỏe người dân.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho hay không có mối liên hệ chặt chẽ giữa tăng thuế và tăng buôn lậu, thực tế có nhiều nước có thuế cao mà buôn lậu lại thấp và ngược lại. Buôn lậu thuốc lá của Việt Nam tăng ngay cả khi thuế thuốc lá không tăng.

Báo cáo của WB về thuế thuốc lá chỉ ra rằng: “Giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế”.

Ở Việt Nam, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ có tác động làm gia tăng tổng sản lượng và việc làm của nền kinh tế. Với phương án tăng thuế thêm 5.000 đồng/bao thuốc lá từ 1/1/2020, tổng sản lượng nền kinh tế tăng 0,003% (486,89 tỷ đồng) và tổng việc làm tăng 0,06% (33.831 việc làm). Ngay cả khi sản lượng giảm tới mức phải cắt giảm lao động thì số lao động ngành thuốc lá chịu ảnh hưởng cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có thể điều tiết.

Về nhận định tăng thuế không ảnh hưởng đến buôn lậu, WHO cho rằng, không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao.

Điển hình, Philippines tăng thuế thuốc lá hàng năm từ năm 2013 đến năm 2017, qua đó giúp tăng 300% thu thuế cho Chính phủ từ thuốc lá. Đồng thời, không có sự gia tăng đáng kể nào đối với buôn lậu thuốc lá. Thái Lan tăng thuế thuốc lá 10 lần (trung bình khoảng 2 năm một lần) trong giai đoạn 1993-2012, nguồn thu của Chính phủ từ th

Diệu Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-thue-va-gia-cong-cu-huu-hieu-de-kiem-soat-tieu-dung-thuoc-la-117387-117387.html