Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Nhiều đề xuất, giải pháp nhằm tăng số lượng công trình xây dựng xanh đã được nêu tại tọa đàm 'Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh'.

Tọa đàm "Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh".

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2023, ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện chúng ta chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch COVID-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về: tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình… Tọa đàm này là dịp để các bên liên quan trao đổi, thảo luận những cơ hội, thách thức, kiến nghị, đề xuất các nội dung, giải pháp để dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng; trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu đã đạt; đánh giá tiềm năng phát triển; thảo luận về các rào cản, thách thức và đưa ra các đề xuất tháo gỡ các cản trở, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại tọa đàm.

Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng khí nhà kính (KNK) thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo thống kê đến hết quý 2 năm 2023, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

Như vậy công trình xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu là những chủ đề quan trọng trong ngành xây dựng và phát triển đô thị hiện nay và giữa các chủ đề có sự tương tác trực tiếp lẫn nhau. Ưu tiên và thúc đẩy phát triển công trình xanh sẽ đảm bảo quá trình đô thị hóa không chỉ có lợi cho người dân hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên.

Là một nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Để đối phó với những thách thức phát triển xanh, bền vững, phát thải các-bon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã khởi xướng có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam vẫn còn có nhiều rào cản và thách thức.

Tại tọa đàm, đại diện Bộ Công thương – cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đưa ra những nhận định, đánh giá về vai trò và tiềm năng của công trình xanh để đóng góp vào các mục tiêu của VNEEP3 và chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế như Hội đồng Công trình xanh, Ngân hàng Phát triển châu Á- ADB; Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)… chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể mà quý vị đang triển khai hoặc dự định thực hiện trong thời gian tới dành cho công trình xanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những quan điểm, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ các rào cản để phát triển công trình xanh tương ứng với vai trò quan trọng trong tiết kiệm năng lượng, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với lắng nghe, phản hồi những đề xuất của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam thông tin về Kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng, nhất là trong cấp phép xây dựng, quyền sử dụng đất, cung cấp dịch vụ tài chính, đánh giá tác động môi trường cho những dự án, nhà máy và sản phẩm thuộc lĩnh vực này.

Tin, ảnh: KC

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/chinh-sach-va-giai-phap-thuc-day-phat-trien-cong-trinh-xanh-647056.html